“Nếu để lạm phát năm 2013 tăng trở lại thì niềm tin trong điều hành kinh tế sẽ suy giảm và nền kinh tế sẽ vô cùng khó khăn”.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Hoàng Ngân khi trao đổi với chúng tôi quanh chủ đề lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về CPI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cho đây là một trong những tồn tại thách thức vì “có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành”. Quan điểm của ông vấn đề này thế nào?
Chỉ số CPI của Việt Nam tăng thấp trong 5 tháng đầu năm và bắt đầu giảm nhẹ hai tháng qua có thể xem là điều đáng mừng, không cần quá lo lắng CPI có thể sẽ giảm thấp hơn nữa.
Phân tích kỹ thì thấy rõ, thời gian qua CPI giảm một phần do tác nhân bên ngoài, như giá dầu giảm liên tục, giá cả các hàng hóa khác cũng đi xuống và như vậy, nó có thể tăng trở lại bất kỳ lúc nào khi giá cả thế giới tăng lên.
Hiện nay, khả năng phục hồi của kinh tế châu Âu vẫn là một ẩn số. Nếu có sự phục hồi trở lại thì các loại giá cả trên có khả năng tăng trở lại rất cao. Trong nước, giá điện, giá nước, giá than đều đã tăng và đang có xu hướng tiếp tục tăng... Những yếu tố này sẽ “hỗ trợ” cho lạm phát tăng trở lại trong thời gian tới.
Đặc biệt, giá lương thực, thực phẩm là một trong những nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa tính CPI, thì so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng, riêng thực phẩm tăng 1,95%, ăn uống ngoài gia đình tăng 11,73%. Dự kiến, sẽ tiếp tục tăng mạnh khi sản lượng chăn nuôi không đáp ứng đủ nhu cầu, người nông dân bỏ chuồng trại sau thời gian dài thua lỗ, rớt giá do sức mua suy kiệt và chi phí chăn nuôi tăng cao.
Như vậy, lúc này không phải lo lắng là lạm phát liệu có đạt được như định hướng điều hành hay không, mà điều quan trọng là đừng khi nào thấy “thừa” trong sự thận trọng với việc quay trở lại của lạm phát.
Từ đầu năm ngoái, chúng ta đã nêu cao mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đến tháng 8/2011, CPI vẫn tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2010 và CPI năm 2011 đã ở mức tăng rất cao.
Tôi cho rằng, đó là một bài học đáng nhớ và sự điều hành cần có cái nhìn dài hạn. Điểm cần lưu ý là nếu để lạm phát năm 2013 tăng trở lại thì niềm tin trong điều hành kinh tế sẽ suy giảm và nền kinh tế sẽ vô cùng khó khăn.
Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội có lưu ý Chính phủ điều hành cần phải lường trước khi nền kinh tế phục hồi, thì liệu có xảy ra hiện tượng cầu lớn hơn cung. Ông nhìn nhận thế nào về nguy cơ này?
Tôi cho rằng, nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra đúng như cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội, nếu Chính phủ không có biện pháp phòng ngừa từ sớm. Một khi cầu lớn hơn cung, lạm phát lại “bùng nổ” là điều không thể tránh.
Hiện nay, doanh nghiệp vô cùng khó khăn nên thu hẹp quy mô sản xuất, còn người nông dân cũng khó khăn vì dịch bệnh hoành hành, lại thêm sức mua suy kiệt khiến giá cả giảm, họ không có lãi để tiếp tục chăn nuôi. Nguy cơ đóng chuồng trại là điều dễ nhìn thấy, đàn gia súc, trang trại vì thế sẽ suy giảm nghiêm trọng. Cần phải sớm cải thiện tình trạng này để đón đầu cho thời kỳ phục hồi trở lại của nền kinh tế.
Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, rất cần hỗ trợ cho nông dân cũng như cả khu vực nông nghiệp, nông thôn, để giải quyết bài toán kiểm soát giá cả. Chẳng hạn, ngoài chính sách thu mua tạm trữ lương thực, thì đối với chăn nuôi, nên có những ưu đãi, thu mua đông lạnh dự trữ và trợ giá cho người chăn nuôi. Nếu không có chính sách kịp thời, giá thực phẩm tăng cao vì thiếu hàng và CPI sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 4, gây ảnh hưởng lớn cho năm sau.
Thưa ông, có phải đang tồn tại một sự “bất công” trong lạm phát giảm hiện nay là vì sự thiếu năng động của các cơ quan điều hành, nên người dân chưa thực sự được hưởng mức giá thấp hơn?
Cũng có thể cho là như vậy, như khi giá nông sản, thực phẩm từ tay người sản xuất đến tay người tiêu dùng đã phải qua quá nhiều khâu trung gian, nên giá cả đã bị đội lên gấp nhiều lần.
Lẽ ra các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào cuộc để kiểm soát được thay vì bỏ ngỏ như hiện nay. Nhất thiết phải giải được bài toán về giảm bớt tác nhân gây chi phí đẩy, cụ thể cần tháo gỡ nguyên nhân khiến thời gian vừa qua chi phí lưu thông tăng cao.
Nếu so sánh, chi phí lưu thông nền kinh tế Việt Nam rất cao, đặc biệt các khâu trong hệ thống phân phối, bán lẻ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia còn hạn chế. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để làm giảm bớt chênh lệch giá cả tại nơi sản xuất, chợ đầu mối, chợ bán lẻ, không để tình trạng một số mặt hàng bị tiểu thương lũng đoạn. Năm 2013 Luật Giá bắt đầu có hiệu lực giúp tăng cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước quản lý giá tốt hơn.
Ông có nhận xét gì về việc lạm phát âm trong hai tháng qua có phần vì sức mua của người dân suy kiệt, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu liên tiếp tăng giá như là một động thái “cưỡng bức” người dân phải mở hầu bao?
Tôi thực sự rất chia sẻ bức xúc với người dân về giá xăng dầu. Trong điều hành giá xăng dầu chưa có được sự linh hoạt và cũng vẫn còn thiếu đối thoại, công khai và chi tiết cho người dân hiểu rõ.
Tuy vậy, cũng có thể cảm thông cho điều hành giá xăng dầu hiện nay vì đây là cả một nghệ thuật và rất phức tạp bởi chưa bao giờ giá xăng dầu thế giới đảo chiều liên tục như hiện nay. Tất nhiên, thị trường và người dân cũng rất cần có sự minh bạch trong điều hành giá thì mới có thể chia sẻ và đồng thuận.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate