March 21, 2022 | 18:03 GMT+7

Đề nghị 12 địa phương xử nghiêm người dân cơi nới công trình trái phép, trục lợi khi xây cao tốc Bắc-Nam

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải đề nghị 12 địa phương xử nghiêm tình trạng cơi nới công trình trái phép, trục lợi tiền giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cao tốc trọng điểm quốc gia...

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương siết chặt quản lý tình trạng cơi nới công trình trái phép, ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương siết chặt quản lý tình trạng cơi nới công trình trái phép, ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau về triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giao thông vận tải nêu rõ thực tế: "Tuyến cao tốc đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án".

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải từng khẳng định, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành dự án, cần sự tập trung vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương liên quan mới có thể hoàn thành được các công việc này.

 

Vì vậy, “các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các Ban Quản lý dự án bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Gần đây, UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản một số hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.

Khi nắm bắt thông tin về dự án đi qua, hàng loạt gia đình trồng thêm cây ăn quả trong vườn và xây dựng một số công trình phụ trợ, ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, từ ngày 13 - 15/3, Bộ phối hợp bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8 km và sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022.

Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày khởi công dự án, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng. Để đạt được mục tiêu, các địa phương cần phải triển khai rất nhiều công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc đơn vị đầu mối triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, chỉ đạo triển khai chỉ định đơn vị tư vấn như khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư,... để thực hiện ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ thiết kế, cắm cọc giải phóng mặt bằng.

“UBND các tỉnh, thành phố cũng cần chỉ đạo đơn vị liên quan tập trung hoàn thành thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 31/3/2022; tổng hợp nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường trước ngày 31/3”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 729 km gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Tháng 12/2022 sẽ triển khai khởi công toàn bộ các dự án thành phần với tiến độ rất gấp gáp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate