June 11, 2018 | 11:12 GMT+7

Đề nghị điều tra CJ vi phạm Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực phim

KIỀU LINH

Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nền điện ảnh Việt Nam đang đối diện với âm mưu thôn tính của công ty nước ngoài

Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam chỉ đích danh Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) thông qua nhiều phương thức khác nhau đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim.
Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam chỉ đích danh Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) thông qua nhiều phương thức khác nhau đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim.

Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Trong văn bản này, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nền điện ảnh Việt Nam đang đối diện với âm mưu thôn tính của công ty nước ngoài. 

Bằng các ưu thế về vốn, kinh nghiệm và với các thủ đoạn tinh vi, doanh nghiệp nước ngoài đã và đang thiết lập những điều kiện nhằm buộc các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam phải tuân theo với mục đích tiến tới chiếm lĩnh thị trường và nền điện ảnh Việt Nam sẽ phụ thuộc vào họ.

Hiệp hội chỉ đích danh Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) thông qua nhiều phương thức khác nhau đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim.

"Hiện nay, bản thân Tập đoàn CJ thông qua các công ty con đã nắm giữ 40% rạp chiếu phim và hơn 60% thị phần phát hành phim. Vì vậy, việc tập trung kinh tế với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực đương nhiên thuộc phạm vi điều chỉnh và thậm chí có thể vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh.

"Việc doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các hoạt động tập trung kinh tế này mà không tuân thủ quy định của pháp luật về việc thông báo đến cơ quan quản lý cũng là minh chứng về âm mưu thôn tính thị trường mà chúng tôi quan ngại", văn bản của Hiệp hội viết.

Do đó, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh về tập trung kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ thị trường và nền điện ảnh Việt Nam bị nước ngoài lũng đoạn.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên đại diện của các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam lên tiếng cảnh báo về nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị chèn ép bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Trước đó, Hiệp hội cũng đã liên tục có những văn bản "tố" CGV (thương hiệu rạp chiếu phim thuộc sở hữu của Tập đoàn CJ) có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục chèn ép doanh nghiệp Việt.

Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỷ lệ phân chia doanh thu cao. Trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành. Điều này giúp CGV hưởng lợi từ cả hai mảng rạp chiếu và phát hành còn các doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt lợi nhuận và dần không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường.

Thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng, ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. 

"Nếu để tình trạng này tiếp diễn, việc CGV chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần", Hiệp hội cho biết trong một thông cáo phát đi hồi cuối năm 2017.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate