February 15, 2025 | 16:45 GMT+7

Ngành công nghiệp hóa dược đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất lên đến 11%/năm vào 2045

Thi Nguyễn -

Ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam đặt mục tiêu trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm vào 2045…

Hình minh họa do AI thực hiện.
Hình minh họa do AI thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 13/2/2025 phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Chương trình).

Theo đó, mục tiêu của Chương trình là phát triển ngành công nghiệp hóa dược, nâng dần tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu làm thuốc trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược. Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc; đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm trong nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên (dược chất, cao định lượng, tinh dầu giàu hoạt chất) trên 10%/năm. 

Đến năm 2045, công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chương trình sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tài chính để thu hút đầu tư vào ngành hóa dược. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sản xuất và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, công nghệ cốt lõi.

“Khuyến khích doanh nghiệp trong nước và tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư sản xuất hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học và sinh tổng hợp hóa học. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị hóa dược thiên nhiên từ nuôi trồng, khai thác đến sản xuất và phân phối”, Quyết định 270/QĐ-TTg nêu rõ.

Đồng thời, xây dựng chính sách đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa học thiết yếu, bao gồm hóa chất cơ bản và hợp chất từ dầu mỏ phục vụ ngành hóa dược; cập nhật, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chương trình có nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Trong đó, triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm nhằm phát triển sản phẩm hóa dược chất lượng cao, có khả năng thay thế hàng nhập khẩu; khuyến khích doanh nghiệp dược trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ theo quy định.

Ngoài ra, Chương trình còn ưu tiên đẩy mạnh đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hóa dược. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong đào tạo và nghiên cứu. Thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển ngành hóa dược tại Việt Nam.

 

Hiện nay, ngành dược phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng trung bình hai con số, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược lớn quốc tế. Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025 và dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026. Cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP, trên 5.000 cơ sở bán buôn thuốc và trên 62.000 cơ sở bán lẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate