Tại phiên họp toàn thể vào ngày 18/12/2014, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day).
Chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2024 là Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển (Youth Skills for Peace and Development), nhấn mạnh việc trang bị cho thanh niên những kỹ năng và cơ hội để giúp thanh niên chủ động gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp; đóng góp cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2024, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị của giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng, thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp. Qua đó, để đẩy mạnh tuyên truyền Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao.
Đồng thời phát hiện, biểu dương và kịp thời khen thưởng vinh danh tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, đối tác có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Cùng với đó, các đơn vị chú trọng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Đặc biệt, đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, ưu tiên phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ cho người học.
Ngoài ra, đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người lao động yếu thế nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kỹ năng nghề tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Thông qua đó, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và khả năng dịch chuyển của nguồn nhân lực thanh niên trên thị trường lao động trong nước, và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề và phát triển kỹ năng của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao; nâng cao khả năng dịch chuyển việc làm trên thị trường lao động; thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; giúp người sử dụng lao động tuyển, sử dụng nguồn lao động chất lượng, hiệu quả …
Tuy nhiên, tại Việt Nam trên 70% lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề ở các bậc khác nhau nhưng chưa được công nhận.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng được quy định cụ thể tại Thông tư số 56/2015, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới.
Cùng với đó, đã tổ chức xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và thẩm định, công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 199 nghề, trong đó có 40 nghề được xây dựng mới hoặc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung theo quy định của Luật Việc làm.