Tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).
Trong đó, dự án Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, ý kiến của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật này để thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự; đồng thời, đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã làm rõ phạm vi điều chỉnh, kế thừa cơ bản các nội dung rà soát, nghiên cứu để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế thực hiện từ năm 2016 đến nay theo phân công của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được đại biểu Quốc hội chuẩn bị cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình năm 2024.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung chính sách còn có ý kiến khác nhau, như: khái niệm chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; mức độ can thiệp y học để được công nhận chuyển đổi giới tính; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người sau khi chuyển đổi giới tính; rà soát hệ thống pháp luật để làm rõ các văn bản, quy định cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực thi hành của Luật trong thực tiễn.
Về tiến độ trình dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chuyển đổi giới tính là vấn đề khó, có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm đối tượng chịu sự tác động,.. để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản. Do đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với Luật Chuyển đổi giới tính sáng ngày 23/5, đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận cao với sự cần thiết ban hành luật. Đây cũng là điểm mới của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bởi dự án luật được một đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng.
Nêu quan điểm về đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), khẳng định Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng là "một bước tiến rất dũng cảm và rất văn minh".
Đại biểu cũng cho rằng hồ sơ dự án luật có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn về việc thu gọn phạm vi điều chỉnh so với lần đầu trình đề nghị xây dựng luật, theo đó dự án luật chỉ tập trung vào 2 đối tượng là nam và nữ; và chỉ tập trung vào vấn đề chuyển đổi giới tính, trong khi thực tế có một số đối tượng trong cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (LGBT) chưa được quan tâm như song giới, đồng giới.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, trong số đó có những vụ bạo lực học đường liên quan đến vấn đề giới tính và đồng giới nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đại biểu cho rằng, nếu nghiên cứu kỹ vấn đề này và đưa vào luật, đưa vào trong các giáo trình học phổ thông, khi đó các em lớn lên các em đã biết ý thức về giới tính của mình và không bị bỡ ngỡ.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí cân nhắc kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật chung cho cộng đồng LGBT.
Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) bày tỏ sự kính trọng với tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật.
Theo Tờ trình số 35 ngày 25/4/2022 của đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng dự án luật gồm 4 nhóm chính sách.
Một là điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính. Hai là thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân. Ba là xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày luật có hiệu lực. Bốn là thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.
Theo đại biểu, đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Đại biểu đề nghị, trong trường hợp dự án luật được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình, bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tham gia góp ý về nội dung này, Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Theo đại biểu, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Nhưng từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.
Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị và báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Thái Thị An Chung rất đồng tình với sự cần thiết nhanh chóng xây dựng luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
“Hồ sơ đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và Chính phủ đã có cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, giao cho các Bộ có liên quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện trình dự án luật. Do đó tôi đề nghị Quốc hội nên đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 như đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí”, đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cảm ơn những ý kiến đóng góp hay và cần thiết, trong đó chứa đựng cả trách nhiệm, tình cảm và sự đồng tình rất cao của đại biểu Quốc hội về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.
Đại biểu cho biết, đến thời điểm này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức của các cơ quan và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn trong quá trình xây dựng dự án luật.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Huân liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, thời gian đầu đại biểu trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.
Đến nay, khoa học đã minh chứng có khoảng 100 dạng giới, nhưng qua nghiên cứu và tiếp thu ý kiến góp ý có thể thấy đây là vấn đề quá mới. Do vậy, với quan điểm chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được công nhận nên dự án Luật Chuyển đổi giới tính mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến chuyển đổi giới tính.
“Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những người làm tiếp để bao quát hết toàn bộ đối tượng chuyển đổi giới tính này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Trong phần tiếp thu và giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng là một trong những luật chúng "khó khăn và thách thức nhất", liên quan tới việc rà soát tổng thể hệ thống pháp luật và nguồn lực để thực hiện.
"Cho đến bây giờ, các dự án luật, các luật của chúng ta cũng như chuẩn bị các công trình công cộng ở bên ngoài đang theo giới tính gốc thì sẽ ảnh hưởng đến một loạt các luật, như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Việc làm, Luật Lao động, các luật có liên quan đến giới", Bộ trưởng chỉ ra.
Do đó, ông cho rằng đây là một thách thức lớn và đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục cố gắng.