Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, được trình bày trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Khoá XV ngày 22/5.
MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 6,5% ĐẦY THÁCH THỨC
Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết năm 2022, kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật; an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. "Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn nhưng nước ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật", ông Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Đáng lưu ý đây là chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng.
Thêm vào đó, "thu ngân sách nhà nước vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế tiếp tục xu hướng tăng thấp hơn dự báo.
Nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng GDP trong quý 1 như: Mỹ chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ; EU tăng 1,3%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 2 năm 2021; Hàn Quốc tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1/2021; Nhật Bản tăng 1,6%; Singapore tăng 0,1%, tốc độ tăng thấp nhất kể từ quý 1/2021; Thái Lan tăng 2,7%...
Do đó, theo ông, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức nối tiếp từ quý 4/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
"Tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quan ngại.
Để đạt mục tiêu 6,5% cả năm, theo tính toán 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP tăng khoảng 7,5%. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ, chẳng hạn: Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%...
Cùng với đó, các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và đang trên đà suy yếu như: xuất khẩu 4 tháng giảm 13%, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm lần lượt là 17,9% và 1,2%, sản xuất công nghiệp giảm 1,8%.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
"Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài", ông Thanh nêu rõ. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Trước tình hình kinh tế khó khăn và trì trệ suốt nhiều tháng vừa qua, thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán. Hơn nữa, có tới 43/63 địa phương lập dự toán thấp nhưng lại giao cao hơn so với dự toán Trung ương giao.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nêu rõ, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu lớn (6,62 tỷ USD). Lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân biểu hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá giảm đáng kể hiệu lực.
Ngoài ra, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch; trong đó, có nhiều quy hoạch quan trọng như quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập và phê duyệt.
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Dù vậy, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 12,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%; tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Cùng với đó, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động. Một số giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tiếp tục thực hiện các chủ trương xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường...
NÂNG CAO NỘI LỰC NỀN KINH TẾ, CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ GIÚP PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG
Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý việc điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.
"Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép và linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng".
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch năng lượng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương phân bổ giao vốn theo đúng kế hoạch, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức...