April 14, 2023 | 18:18 GMT+7

Đề xuất đầu tư gần 31.000 tỷ đồng làm 6 tuyến đường ở Thủ Đức

Thiên Ân -

Chính quyền TP. Thủ Đức đã đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho bổ sung dự án mới, triển khai các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn TP. Thủ Đức, với nguồn vốn khoảng 30.800 tỷ đồng...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Đầu tư cho TP. Thủ Đức là đầu tư cho TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Đầu tư cho TP. Thủ Đức là đầu tư cho TP.HCM.

Cụ thể, TP. Thủ Đức kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 tuyến đường mới và triển khai 4 tuyến đường đã được Chính quyền TP.HCM phê duyệt trước đó.

BỔ SUNG 2 TUYẾN ĐƯỜNG MỚI

Kiến nghị về đầu tư hạ tầng giao thông này, được ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức (TP.HCM) đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy chiều 13/4 vừa qua.

Bốn dự án đã được phê duyệt có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. Bao gồm:

Dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao thông Bình Thái. Đoạn này dài 3,5 km  với vốn đầu tư 8.600 tỷ đồng.

Dự án kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đại lộ Phạm Văn Đồng bao gồm nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2, có chiều dài 2,9 km với nguồn vốn 8.450 tỷ đồng.

Tuyến khép kín đường nối ngã ba Gò Công đến nút giao trạm 2 có chiều dài 6 km, tổng vốn 4.500 tỷ đồng.

Và tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu dài 6,6 km (gồm 3,2 km cầu), vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn hai dự án được TP. Thủ Đức kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và bổ sung. Thứ nhất là dự án đầu tư đoạn đường kết nối tuyến D1 đến khu công nghệ cao (SHTP) và đường Nguyễn Xiển dài 1 km, vốn đầu tư hơn 750 tỷ đồng.

Dự án này nếu được phê duyệt, sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành sau một năm xây dựng.

Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức cũng cho biết, dự án này nhằm giảm tải cho các phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ, là những khu vực đô thị phát triển nhanh, dân số đông nhưng hiện tại kết nối giao thông còn hạn chế.

Dự án kiến nghị bổ sung thứ hai là điểm kết nối thứ tư giữa TP. Thủ Đức với đường Vành đai 3 TP.HCM tại phường Long Bình, từ nguồn vốn đã bố trí cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Cụ thể, theo thiết kế đã được phê duyệt, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn TP. Thủ Đức có ba vị trí kết nối ra/vào, gồm: 1/ Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; 2/ điểm kết nối nút giao Gò Công; 3/ điểm kết nối gần cảng ICD Long Bình - nút giao Tân Vạn.

Theo đó, khoảng cách giữa điểm kết nối số 2 và số 3 cách nhau hơn 7 km. Điểm kết nối số 3 chủ yếu phục vụ Cảng ICD Long Bình; trong khi khu vực phường Long Bình có tốc độ đô thị hóa rất cao, cần thêm điểm kết nối để thuận lợi cho việc phát triển đô thị. Vì vậy, TP. Thủ Đức kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét giao chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu, bổ sung thêm điểm kết nối giữa đường Vành đai 3 tại khu vực phường Long Bình nhằm phù hợp với tình hình thực tế nói trên.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức, dự án xây dựng đường Vành đai 2 qua địa bàn Thủ Đức theo hình thức PPP hiện đã hoàn thành đạt gần 95% công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và còn thiếu gần 97 tỷ đồng, nên đề nghị Thành phố sớm bố trí thêm vốn để khép kín đoạn này.

TP. Thủ Đức cần kết nối một só tuyến đường để đồng bộ giao thông. Trong ảnh: Đường Nguyễn Hoàng kết nối về trung tâm TP. Thủ Đức. Ảnh: Đào Trang.
TP. Thủ Đức cần kết nối một só tuyến đường để đồng bộ giao thông. Trong ảnh: Đường Nguyễn Hoàng kết nối về trung tâm TP. Thủ Đức. Ảnh: Đào Trang.

Như vậy, tổng nguồn vốn TP. Thủ Đức cần để đầu tư xây dựng 6 tuyến đường trên địa bàn (2 bổ sung và 4 đã phê duyệt) vào khoảng 30.800 tỷ đồng.

THỦ ĐỨC PHẢI GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT 95%

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất với kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, ông đề nghị các sở, ngành cùng chính quyền TP. Thủ Đức cùng ngồi lại với nhau để nghiên cứu, xem xét từng hồ sơ một và giải quyết cụ thể theo thẩm quyền.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu Thủ Đức rà soát lại việc đầu tư công và đến tháng 6/2023 phải đạt 70 – 80% công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án. Làm sao đế đến cuối năm 2023 phải đạt 95% giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đã đề ra.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, nguồn vốn trung hạn 2021 – 2025 của Thành phố dự kiến sẽ được nâng lên 120.000 tỷ đồng để giải quyết, xử lý các tồn đọng, số còn lại sẽ giao về cho các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Trong số đó, mỗi quận, huyện sẽ nhận 500 tỷ đồng; riêng TP. Thủ Đức là 1.500 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM xác nhận, đầu tư cho Thủ Đức là đầu tư cho TP.HCM; vì vậy Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho Thủ Đức để để trở thành khu đô thị tương tác phía đông của TP.HCM. Ông Mãi đề nghị Sở Tài chính xem xét, có các giải pháp phù hợp đối với các kiến nghị của TP. Thủ Đức về 6 dự án giao thông nói trên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate