November 01, 2024 | 22:17 GMT+7

Đề xuất đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035

Phan Anh -

Chính phủ đề xuất cần đầu tư 256.250 tỷ đồng để đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với nhiều mục tiêu, trong đó giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 1/11, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ VÀ TOÀN DIỆN TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển (50.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp (27.000 tỷ đồng).

Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); gồm: Vốn đầu tư phát triển là 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Còn trong giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Theo tờ trình, thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, chia làm các giai đoạn. Năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Đề xuất đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 - Ảnh 1

Người đứng đầu ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho hay chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát.

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam;

Thứ hai, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc;

Thứ ba, huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc;

Thứ tư, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân;

Thứ năm, xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài;

Thứ sáu, phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng;

Thứ bảy, hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ KỸ QUY MÔ, KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG, BỐ TRÍ CÁC NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ: Ủy ban nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu của chương trình, nhưng cơ quan cũng lưu ý xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Mục tiêu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tốt hơn cho Nhân dân.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có. Có ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác.

Ông Vinh cũng cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Trong đó, về nguồn vốn ngân sách địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với giải trình về các vấn đề liên quan đến vốn ngân sách địa phương; đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với dự kiến các nguồn vốn khác; đồng thời đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi cần xác định các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên cần thu hút các nguồn lực xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội khác để thực hiện Chương trình.

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động và khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình; rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình năm 2025.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi.

 
9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Thứ nhất,Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử;
Thứ hai, Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa- Thể thao, Bảo tàng, Thư viện), 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa- Thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn;
Thứ ba, Phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo;
Thứ tư, Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; 
Thứ năm, Phấn đấu 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Thứ sáu, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;
Thứ bảy, 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;
Thứ tám, Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến;
Thứ chín, Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.       
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate