Thông tin được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch, sáng 6/6.
CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA LÀ ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn tỉnh Ninh Bình, cho biết tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch rõ ràng.
Đại biểu cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, ngành du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa, mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.
Trả lời đại biểu đoàn tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa.
Trong đó, Bộ trực tiếp quản lý nhà nước 5 ngành, bao gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa.
Theo Bộ trưởng, du lịch văn hóa đã được xác định là công nghiệp văn hóa. Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng.
Tại hội nghị này, Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm là "tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa" để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, trọng tâm tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp tích cực vào GDP. “Hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của doanh nghiệp, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”, Bộ trưởng nói.
THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa cần được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Hiện nay, du lịch văn hóa mới đóng góp 10-15% trong tỷ trọng du lịch, chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận để có sản phẩm văn hóa thì không phải địa phương nào cũng làm được, bởi đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật.
Tuy nhiên hiện nay vẫn có nhiều địa phương đã làm rất tốt nội dung này. Bộ trưởng ví dụ như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trước đây chỉ có học sinh đến khi mùa thi cử, nhưng TP. Hà Nội đã thổi hồn vào đó, nhờ yếu tố tinh hoa đạo học đã giúp thu hút rất nhiều khách. Đây vừa là sản phẩm du lịch về đêm, nhưng dựa trên tài nguyên văn hóa.
Hoặc Nhà tù Hỏa Lò, trước đây là nơi giam giữ các nhà lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng yêu nước, nơi lưu giữ những ký ức lịch sử hào hùng, đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông ta, nhưng từ khi có các hoạt động vào buổi đêm, du khách đến trải nghiệm rất đông và có ấn tượng sâu sắc…
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cũng cần tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa, bởi nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.
Bổ sung thêm góc nhìn về vấn đề này, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn tỉnh Phú Yên, cho rằng bên cạnh các yếu tố di sản, văn hóa, điện ảnh cũng là một phương thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước nói chung, và xúc tiến du lịch nói riêng.
Ví dụ, phim Chuyện của Pao quảng bá hình ảnh Hà Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá cho Phú Yên. Gần đây nhất, phim Đào, phở và piano do Nhà nước đặt hàng có chất lượng cao, truyền bá tốt lịch sử, được công chúng đón nhận.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp gì để hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam, cũng như giải pháp để những phim do Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả. Từ đó, tạo nên một kênh xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các Nghị định và triển khai thi hành Luật, vì vậy nền điện ảnh đã có dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, mỗi năm ngân sách Nhà nước chỉ có khoảng 60-70 tỷ đồng để đặt hàng làm phim. Vì vậy, các cơ quan lựa chọn các bộ phim theo hướng duyệt kịch bản từ sớm để có những bộ phim chất lượng như Đào, phở và piano. Hiện nay, Bộ chỉ đặt hàng sản xuất, không có kinh phí phát hành hay tuyên truyền, quảng bá phim.
Theo Bộ trưởng, nền điện ảnh đang được triển khai theo đúng lộ trình, nhất là tập trung vào việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để tổ chức xây dựng các bộ phim. Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị các nhà làm phim kết hợp để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.
Vừa qua, Bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ phim về du lịch, qua đó tạo hiệu ứng lan toả, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất, vẻ đẹp con người Việt Nam.
Năm 2023, Bộ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết sản xuất phim về vấn đề này.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách trong Luật Điện ảnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh Nghị định của Chính phủ để có thể công bố bán vé phim do Nhà nước đặt hàng.