Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh như vậy, tại cuộc họp bàn về dự thảo nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, diễn ra trong tuần qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia. Ông cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ, được lắp đặt điện mặt trời mái nhà mà không theo Quy hoạch Điện VIII.
Thống kê của ngành điện lực cho biết, công suất điện mặt trời mái nhà tính đến cuối 2022 vào khoảng 9.000 mW, giá bán 8,38 cent/kWh, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2023, thống kê còn gần 400 mW nối với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch. Số dự án này chưa được định đoạt số phận do thiếu cơ chế rõ ràng.
Cùng quan điểm của Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho rằng nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp lắp thiết bị lưu trữ để chuyển phần điện không sử dụng hết thành nguồn điện nền sạch. Nguồn điện này có thể được phát lên lưới vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp. Khu vực phía Nam là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, có nhu cầu cao về lắp điện mặt trời áp mái.
Phát biểu tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán; đồng thời nhấn mạnh, nguồn điện này sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giúp huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Phó thủ tướng cũng cho rằng các nguồn điện tái tạo, gồm điện mặt trời mái nhà, không đưa lên lưới quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xác định rõ các hình thức có và không kinh doanh loại điện này, từ đó đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích, quy định an toàn, phòng cháy, chữa cháy tương ứng. Cụ thể, đối với nguồn điện tự sản và không kinh doanh (hộ dân, công sở, tòa nhà văn phòng,…), đơn vị quản lý cần đưa ra hồ sơ mẫu, đơn giản tối đa thủ tục, trừ những công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy.
Đối với doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng và có lắp đặt thêm thiết bị lưu trữ điện năng thì cơ quan chức năng cần đưa ra mức giá hợp lý, cùng phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế,...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần tính toán kỹ quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà và chính sách khuyến khích, hỗ trợ kèm theo trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ, lưới truyền tải, hiệu quả kinh tế; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư và chú trọng bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch Điện VIII, điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác,... bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu... được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp. Phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quy hoạch đất đai dành cho năng lượng.
Quy hoạch Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).