September 13, 2022 | 07:28 GMT+7

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, giảm gần 2.000 tỷ đồng chi phí đầu tư

Xuân Thái -

Hướng tuyến dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước, theo đề nghị điều chỉnh sẽ đi cặp song song quốc lộ 14 và nằm về bên trái quốc lộ này, trùng với tuyến đường phía đông quốc lộ 14 nối Chơn Thành - Đắk Nông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Bình Phước...

Bình Phước được giao là cơ quan nhà nước thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Bình Phước được giao là cơ quan nhà nước thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất thay đổi, điều chỉnh hướng tuyến của cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đoạn đi qua địa bàn tỉnh này, có chiều dài 102 km trong tổng chiều dài 138 km toàn tuyến.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía tây, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn tuyến có chiều dài gần 140 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 38 km, còn lại thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước.

Dự án có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) tại Km1796+800 và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, quy mô 6 làn xe, thời gian đầu tư trước năm 2030. Hướng tuyến dược duyệt về cơ bản song song về bên phải quốc lộ 14 hiện hữu, hướng từ Đắk Nông đi Bình Phước.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, phía đông nam của quốc lộ 14 (tức bên trái quốc lộ 14 hướng Đắk Nông đi Bình Phước) là nơi tập trung phát triển về hạ tầng hơn so với phía ngược lại, do tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, những địa phương đang có tốc độ phát triển nhanh.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Phước đề nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, hướng tuyến sẽ đi cặp song song với quốc lộ 14 và nằm bên trái quốc lộ 14 trùng với tuyến phía đông quốc lộ 14 nối Chơn Thành - Đắk Nông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Phước.

Chiều dài nghiên cứu điều chỉnh của tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, theo đề xuất của tỉnh Bình Phước dự kiến khoảng 101 km và gồm hai phân đoạn.

Đoạn 1 tại Km1827 tại ranh giới Đắk Nông và Bình Phước nối tiếp vào phương án tuyến cao tốc theo quy hoạch đã duyệt, sau đó đi theo hướng mới đông – nam, tức bên tay trái của quốc lộ 14 hướng Đắk Nông đi Bình Phước, tới ranh giới thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Chiều dài đoạn này 69,5 km.

Đoạn 2 bắt đầu từ ranh thành phố Đồng Xoài đi trùng vào đường Vành đai 2 thành phố Đồng Xoài, qua thị xã Chơn Thành rồi giao với tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dài khoảng 29,5 km. Đoạn đường dẫn dài khoảng 2 km, nối từ cuối tuyến đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Như vậy tổng chiều dài đoạn này là 31,5 km.

Hướng tuyến và sơ đồ tuyến của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo dự kiến kế hoạch ban đầu.
Hướng tuyến và sơ đồ tuyến của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo dự kiến kế hoạch ban đầu.

Nhận định về hướng tuyến theo đề xuất này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng, dự án phần lớn đi qua khu vực có địa hình thuận lợi, ít bị chia cắt bởi đồi dốc phức tạp, lòng hồ, sông suối, giảm được suất đầu tư của dự án, tránh được nhiều điểm giao cắt với đường dây điện cao thế 500 kV. Đồng thời, ngoài việc tránh xâm thực vào rừng tự nhiên (dự kiến bị mất khoảng trên 2 ha) thì hướng tuyến mà tỉnh Bình Phước đề xuất sẽ đi ngang khu vực đất trồng nông nghiệp do các công ty cây cao su trồng và quản lý nên chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm hơn… 

Ngoài ra, theo hướng mới này, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ tạo điều kiện phát triển cũng như giúp khai thác tiềm năng quỹ đất dọc tuyến phía đông nam quốc lộ 14, trong đó có trục phát triển Đồng Xoài – Đồng Phú – Chơn Thành.

Về kết nối hạ tầng giao thông, tỉnh Bình Phước cho rằng, hướng tuyến mới theo đề xuất giúp kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Tuyến đường tỉnh 753, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tuyến Đồng Phú – Bình Dương nối Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa (là dự án cao tốc, dài 72,75 km, mới được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu tháng 8/2022, tổng kinh phí 2.293 tỷ đồng),…

Được biết, nếu dự án được triển khai theo hướng tuyến đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, chi phí đầu tư cho đoạn qua tỉnh này giảm từ 14.067 tỷ đồng xuống còn 11.750 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn dự án giảm 1.917 tỷ đồng, từ 28.548 tỷ đồng xuống còn 26.631 tỷ đồng. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate