Đây là một trong những nội dung được đề cập trong văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa gửi các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn các ngành Trung ương và tương đương và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2023 trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định, đời sống, việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động tiếp tục khó khăn, tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiềm ẩn có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Vì vậy, để góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Đồng thời, tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động của các doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, quan tâm tới các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động tập thể, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, các doanh nghiệp có đông lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không có thưởng Tết, có nguy cơ mất an toàn lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn...
Tổng Liên đoàn cũng yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động, chính quyền, chuyên môn đồng cấp để kịp thời phản ánh, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, những nguyện vọng, mong muốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo người lao động; chủ động, phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn tại địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp chính quyền, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để tham mưu với cấp ủy, chính quyền có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát xảy ra.
Các cấp công đoàn cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở chủ động nắm thông tin, phản ánh kịp thời tới công đoàn cấp trên về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động… tại doanh nghiệp, tại các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu, cùng quốc gia đầu tư, trong chuỗi cung ứng…
Báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản, có chủ bỏ trốn, chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng cho đoàn viên, người lao động, nhất là dịp trước Tết Nguyên đán 2024.
Ngoài ra, cần chủ động tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng, công khai phương án, kế hoạch trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày; giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ. Từ đó, đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết...