February 21, 2023 | 11:28 GMT+7

Đề xuất lao động hợp đồng 1 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Tăng độ phủ an sinh

Thu Hằng -

Nhóm lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường có nguy cơ thất nghiệp cao, nếu tham gia bảo hiểm thất nghiệp họ sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm…

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Trong dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

HẠN CHẾ NHẬN TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.

Thống kê trong giai đoạn 2015-2021, bình quân mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6,1% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp), bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 9.600 tỷ đồng.

Khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm (tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp), nếu mức hưởng bình quân là 3,2 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 4 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1.920 tỷ đồng (tương ứng khoảng 10-11% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm).

Tuy nhiên, chính sách có thể làm phát sinh tăng chi phí cho cả doanh nghiệp và người lao động thông qua chi cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay chưa có giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, theo dự kiến, với đơn giá khoảng 70.000 đồng/người, nếu hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 2 triệu người/năm, chi phí phát sinh khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, có thể phát sinh tăng chi phí cho hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Giả định mức hỗ trợ học phí là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng, mức hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí 1 triệu đồng/người/tháng, tiền ở 500.000 đồng/người/tháng, tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học. Nếu hỗ trợ 100.000 lao động/năm (gấp 3,3 lần bình quân giai đoạn 2015-2021), chi phí phát sinh mỗi năm là 1.830 tỷ đồng…

Mặc dù vậy, xét đến tác động về mặt xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết, vì sẽ tăng cường lưới an sinh xã hội.

Người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường là đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Vì thế, khi họ tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp.

BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG TỐT HƠN TRƯỚC CÁC “CÚ SỐC”

Chia sẻ với VnEconomy về đề xuất trên, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ủng hộ phương án và cho rằng đây là chính sách hoàn toàn khả thi, cần làm ngay.

Ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được tư vấn, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi việc làm. Ảnh - N.Dương.
Ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được tư vấn, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi việc làm. Ảnh - N.Dương.

Thậm chí, vị chuyên gia nhìn nhận, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa là phòng ngừa khi người lao động mất việc, do đó yếu tố này không nên phụ thuộc vào tình trạng của hợp đồng lao động, mà cần đồng bộ với quy định của bảo hiểm xã hội.

“Hiện nay mới chỉ có khoảng 50% lực lượng lao động có hợp đồng lao động, nên nếu những trường hợp không được kí hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc họ sẽ không được hưởng các quyền lợi an sinh, như trợ cấp khi mất việc, ốm đau, thai sản…”, bà Hương phân tích.

Theo vị chuyên gia, việc đưa nhóm lao động có hợp đồng từ 1 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp, song về lâu dài cần tính toán chỉ cần xuất hiện quan hệ lao động thì đều phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nghĩa là dựa trên quan hệ thu nhập chứ không chỉ dựa trên quan hệ lao động, bởi lẽ nếu dùng hợp đồng lao động, rất có thể doanh nghiệp sẽ tìm cách “né” đóng bằng cách không kí kết hợp đồng lao động.

Trước những băn khoăn về việc mở rộng nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng thêm một số chi phí cho doanh nghiệp, bà Hương nêu quan điểm doanh nghiệp hãy coi như một khoản đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực cần hướng đến.

Hiện nay khi sử dụng lao động thường có hai khoản chi phí trực tiếp và chi phí cho an sinh xã hội, an toàn lao động nghề nghiệp, phòng ngừa những trường hợp mất việc, biến cố, ốm đau… “Doanh nghiệp nào đầu tư tốt cho người lao động cũng tạo ra hình ảnh tốt, người lao động phấn khởi, tăng năng suất lao động”, bà Hương nhấn mạnh.

Thực tế khi người lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nếu gặp các “cú sốc”, thì gánh nặng sẽ dồn lên hệ thống an sinh của Nhà nước, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng.

Về mức đóng của cả doanh nghiệp và người lao động như đề xuất của cơ quan soạn thảo là 1%, bà Hương cho rằng nên tính toán điều chỉnh lại xuống mức 0,7% để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động, hơn nữa tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp.

Ngoài ra, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, bà Hương đề xuất giảm thời gian hưởng từ 6 tháng còn 3 tháng để khuyến khích lao động tham gia vào đào tạo chuyển đổi việc làm. “Thời gian hưởng 6 tháng là quá dài, bởi thực tế ít người sẽ chờ thất nghiệp 6 tháng mà họ thường đi tìm kiếm công việc khác. Việc đào tạo cũng cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để cùng nhau cung cấp dịch vụ tốt hơn”, vị chuyên gia lưu ý.

Cũng ủng hộ đề xuất lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dẫn chứng, trước đây, pháp luật quy định chỉ lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải đóng bảo hiểm xã hội, nhưng Bộ luật Lao động năm 2019 đã điều chỉnh theo hướng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho tất cả lao động có ký hợp đồng từ 1 tháng trở lên.

Do đó, đề xuất lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hợp lý, nhằm mục đích đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo ông Quảng, bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ rủi ro, mất việc làm cho lao động thất nghiệp vì các yếu tố khách quan. Người lao động nếu đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ một khoản trợ cấp thất nghiệp, ngoài ra họ cũng được hỗ trợ học nghề và giới thiệu, tìm kiếm việc làm mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate