Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt được Bộ Giao thông vận tải ban hành 4 năm.
Dự thảo sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; trình tự cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định và trách nhiệm của các tổ chức trong quá trình khai thác sử dụng trên đường sắt chuyên dụng. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và khai thác phương tiện giao thông đường sắt.
Đến nay, Thông tư số 29 được sửa đổi, bổ sung 2 lần tại các Thông tư số 32/2020/TT-BGTVT ngày 14/12/2020 và Thông tư số 01/2022/TT-BGTVT ngày 12/01/2022.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt thời gian qua, đã phát sinh một số yếu tố khách quan về lĩnh vực phương tiện giao thông đường sắt như: rút ngắn chu kỳ kiểm định các phương tiện đã hết niên hạn được phép kéo dài thời gian sử dụng; định nghĩa phương tiện chuyên dùng đường sắt và thời gian sử dụng, cập nhật lại các thủ tục hành chính, các quy định về kiểm tra đối với phương tiện, cũng như cần thiết phải hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.
Đáng lưu ý, theo Bộ Giao thông vận tải, việc sửa đổi một số quy định của Thông tư còn để xử lý một số vấn đề bất cập.
Thứ nhất, đối với thủ tục đăng kiểm nhập khẩu toa xe đường sắt đô thị, theo quy định hiện hành chỉ có một thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu.
Tuy nhiên, "để hoàn thiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu thì thủ tục này có thể kéo dài nhiều năm do phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành của dự án và mức độ hoàn thành của cơ sở hạ tầng để đủ điều kiện tiến hành kiểm tra theo quy định", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Thực tế đã xảy ra đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, thời gian từ lúc bắt đầu kiểm tra đến lúc kết thúc kiểm tra kéo dài hơn 2 năm, kể từ khi chủ đầu tư đề nghị kiểm tra.
Tính đến đầu năm 2022, dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đạt tiến độ khoảng 75%, đoạn trên cao đạt xấp xỉ 95%. Tuy nhiên, 10 đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị này vẫn chưa hoàn thành việc kiểm tra do chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công tác kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, chủ đầu tư phải liên tục thực hiện việc gia hạn trả kết quả kiểm tra chuyên ngành để gửi cho cơ quan hải quan nên sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Từ những bất cập nêu trên, một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư mới là cơ quan soạn thảo đề xuất quy định việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đối với toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu được chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, kiểm tra toa xe đường sắt đô thị ở trạng thái tĩnh để hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Giai đoạn 2, kiểm tra, thử nghiệm các tính năng an toàn khi ghép thành đoàn tàu vận hành trên hạ tầng của từng dự án cụ thể, để cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu trước khi đưa vào khai thác
Thứ hai, theo Bộ Giao thông vận tải, quy định tại Điều 5 Thông tư số 29 trước đây về hồ sơ đăng ký kiểm tra và nội dung kiểm tra: "Báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm của phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện của nhà sản xuất hoặc tổ chức thử nghiệm", "Nội dung kiểm tra: Kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành" là chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung Phụ lục để quy định cụ thể nội dung kiểm tra và đối tượng kiểm tra trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành tương ứng.
Nội dung thay đổi này là rõ ràng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký kiểm tra và chuẩn bị nội dung kiểm tra.
Từ các lý do trên dẫn đến cần thiết phải xem xét, cập nhật các thủ tục hành chính về thành phần hồ sơ đăng ký kiểm tra, thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra, thời điểm kiểm tra phương tiện giao thông đường sắt.
Đồng thời, bổ sung, sửa đổi lại các quy định, nội dung kiểm tra đối với phương tiện cho phù hợp, cũng như cần thiết phải hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quyết định số 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải và Nghị Quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, do đó, cần thiết phải đơn giản hoá và làm rõ các thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính khi thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.