Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và thay thế Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí đường bộ.
TIÊU CHÍ THÀNH LẬP TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
Dự thảo Thông tư quy định rõ các tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ. Theo đó, trạm thu phí đường bộ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cùng với đó, các trạm phải thực hiện hình thức thu phí điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu phí đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Về thiết kế, đầu tư, xây dựng, nâng cấp trạm thu phí đường bộ, theo dự thảo, trạm thu phí đường bộ phải được thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về trạm thu phí đường bộ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt hạng mục dự án có trạm thu phí đường bộ; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán bước sau thiết kế cơ sở được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo dự thảo, trường hợp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ, trực tiếp tương tác với phương tiện giao thông đi qua trạm (hệ thống Front-End) là hạng mục của dự án đầu tư xây dựng, được thực hiện, hoàn thành trước khi dự án đưa vào vận hành khai thác.
Đối với dự án đầu tư xây dựng theo hình thức khác, trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thu tiền sử dụng đường bộ, hạ tầng trạm thu phí đường bộ thực hiện trong dự án, hoàn thành trước khi đưa vào vận hành khai thác. Đơn vị quản lý thu đề xuất hình thức đầu tư (tự đầu tư hoặc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và giao nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ đầu tư hệ thống Front-End).
Đối với dự án đã đưa vào vận hành khai thác, đơn vị quản lý thu đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí bằng nguồn kinh phí phù hợp hình thức đầu tư của dự án theo quy định.
Đơn vị quản lý thu đề xuất hình thức đầu tư (tự đầu tư hoặc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và giao nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ đầu tư hệ thống Front-End) và nguồn kinh phí đầu tư hệ thống Front-End trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH TRẠM THU PHÍ
Dự thảo còn nêu rõ những trường hợp tạm dừng thu khi doanh nghiệp dự án PPP, đơn vị quản lý thu, đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 02 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục.
Tạm dừng thu phí khi xảy ra các hành vi như: gian lận tiền sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền sử dụng đường bộ; hay can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện.
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ trạm thi phí bị dừng thu khi báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu sử dụng đường bộ...
Cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng thu, dừng thu hoặc trừ thời gian thu đối với các trạm thu phí đường bộ trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc mạng lưới đường bộ do trung ương quản lý.
Đối với các trạm thu phí đường bộ trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc mà cơ quan có thẩm quyền là ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định việc tạm dừng thu, dừng thu hoặc trừ thời gian thu theo thẩm quyền.
Cũng theo dự thảo, đơn vị vận hành thu thực hiện công tác quản lý, vận hành, bảo trì hạ tầng trạm thu phí và hệ thống Front-End theo nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng dịch vụ thu với đơn vị quản lý thu.
"Chi phí quản lý, vận hành, bảo trì được lấy từ chi phí vận hành thu và chi phí bảo trì, vận hành dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác hoặc chi phí dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng", dự thảo nêu rõ.
Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện nhiệm vụ đơn vị vận hành thu theo hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền thì chi phí quản lý, vận hành, bảo trì được tính trong phương án tài chính của hợp đồng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Về quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ, dự thảo quy định đơn vị quản lý thu, đơn vị vận hành thu và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu phí đường bộ để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định.
"Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác", Bộ Giao thông vận tải nêu.
Cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ, xử lý vi phạm hoạt động của trạm thu phí theo quy định của pháp luật và theo quy định của hợp đồng.