Dự thảo dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng lấy ý kiến gồm 6 Chương, 90 Điều. Việc xây dựng luật nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng thông minh hoá.
ƯU ĐÃI HỖ TRỢ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ
Dự thảo tờ trình dự án luật, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin được ban hành hơn 17 năm qua, tại thời điểm ngành công nghệ thông tin mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Những quy định này chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, phát triển thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam; phát triển thị trường trong và ngoài nước cũng như đầu tư, mua sắm và lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã đề xuất một số chính sách nổi bật.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tổ chức, doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng các hoạt động nêu trên, mức hỗ trợ tối thiểu 30% và tối đa không quá 80% tổng chi phí.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số mà trong đó có tối thiểu 30% doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất trong nước để sản xuất ra sản phẩm và tối thiểu 30% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm.
Về hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, dự kiến có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số; các chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ số và nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số.
Trong đó, dự thảo luật đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư; được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của dự án.
Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số có sử dụng đất thuộc trường hợp được hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Có chính sách ưu đãi đối với các dự án có tính chất đặc biệt, quy mô lớn: được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt làm việc tại các dự án;
Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án, miễn trừ áp dụng điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
THÚC ĐẨY, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Dự thảo luật cũng quy định về hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; chính sách thúc đẩy công nghiệp bán dẫn; quản lý và phát triển AI.
Về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, tập trung vào xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu công nghệ số và hình thành Chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số theo từng thời kỳ sử dụng nguồn ngân sách khoa học công nghệ.
Liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, dự kiến bao gồm các quy định thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thông qua các chương trình tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số. Trong đó, nổi bật là quy định về “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ số”.
Về cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo luật. Cơ chế thử nghiệm hiện chưa có tại Việt Nam tuy nhiên một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Việc xây dựng quy định này nhằm đáp ứng sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển và ứng dụng một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới, đột phá có khả năng mang lại giá trị cao nhưng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Dự kiến, cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý hồ sơ, thẩm quyền cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm.
Đối với quy định phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Thông tin nhấn mạnh: đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của mọi quốc gia; Đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Dự thảo Luật dự kiến quy định một số chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn như: ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng; có cơ chế về đối ứng đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn; có cơ chế đặc thù tuyển dụng các chuyên gia, nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn;
Cùng với đó đề xuất có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chiến lược phát triển bán dẫn cho doanh nghiệp công nghệ số chủ lực trong nước; có cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua bán sáp nhập các công ty công nghệ trong và ngoài nước; cơ chế một cửa liên thông quốc gia; cơ chế làn xanh cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, trong bối cảnh AI được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống, việc quản lý nhằm hạn chế những rủi ro, đồng thời tận dụng tốt những lợi ích mà AI mang lại là vấn đề căn cơ, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Dự thảo dự kiến quy định khái niệm hệ thống AI, sản phẩm tạo bởi AI, chính sách phát triển hệ thống AI; các hoạt động AI bị cấm; phân loại cấp độ rủi ro đối với hệ thống AI và biện pháp quản lý; xây dựng nguyên tắc đạo đức AI, ... trên sở tham khảo AI Act của Liên minh Châu âu (EU). Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định dán nhãn nhận dạng đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI theo kinh nghiệm của Trung Quốc.