June 03, 2023 | 10:52 GMT+7

Đề xuất nâng thời gian lưu trú cho khách quốc tế lên 60 ngày

Phúc Minh -

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian lưu trú nâng lên 45 ngày cho khách quốc tế nhập cảnh vẫn là mức bình quân trong khu vực, và đề xuất tăng lên 60 ngày...

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật chiều 2/6. Ảnh - Quochoi.vn.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật chiều 2/6. Ảnh - Quochoi.vn.

Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

"CUỘC HỌP NÀO DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI CŨNG KIẾN NGHỊ VẤN ĐỀ VISA"

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu TP. Hà Nội đánh giá, dự án Luật lần này là một bước tiến đột phá nếu thực hiện được. “Là người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại cũng như làm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đầu tư, có thể nói điều day dứt của chúng tôi suốt trong thời gian qua là tại cuộc họp nào gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp ngoài nước bao giờ người ta cũng nêu đến vấn đề thủ tục visa của Việt Nam”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đại biểu, Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư, kinh doanh đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh của nước ta.

Tuy nhiên, trong du lịch thì chúng ta như là một nước "đi trước về sau", kiềm chế Covid-19 rất tốt và mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN nhưng lại không đạt được thành quả như họ là vì chính sách visa chưa đủ cởi mở.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật với những quy định cởi mở hơn và tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu thì sẽ thúc đẩy được việc xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch. "Có lẽ đây là một món quà quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là một thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập mở cửa và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu TP. Hà Nội. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu TP. Hà Nội. Ảnh - Quochoi.vn.

Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày, bởi nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực.

“Tôi nghĩ mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này. Nếu 45 ngày là tương đương với mức trung bình trong khu vực nên tôi đề nghị nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, vì vậy, ông đề nghị nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, đồng thời với việc mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử.

Đề xuất nâng thời gian tạm trú cho người nhập cảnh cũng được đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đồng tình. Theo đại biểu Phương, thời gian 30 đến 60 ngày thường là thời gian phù hợp cho khách nước ngoài, nhất là khách du lịch có một chuyến đi đủ dài cho nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh hoặc công tác, không chỉ phù hợp cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mà còn cho các doanh nghiệp quốc tế.

“Vì vậy, tôi đề xuất nên xem xét cho phép thời gian tạm trú lên 60 ngày, vì các nước như Thái Lan và Singapore là 45 và 90 ngày, từ đó quy định của Việt Nam từng bước tương đồng với các nước trong khu vực”, đại biểu nêu quan điểm.

MỞ RỘNG DIỆN MIỄN THỊ THỰC

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong dự thảo luật vẫn chưa nhiều so với các quốc gia trong khu vực. 

Mặt khác, qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực, thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam hiện thấp hơn, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực khá nhiều.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh - Quochoi.vn.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh - Quochoi.vn.

Đại biểu dẫn chứng, hiện nay trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống; Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã ít nhất áp dụng chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.

Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này. Hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15% đến 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5% đến 15% so với các nước ASEAN.

Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị xem xét bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho khách nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều khách nước ngoài sau khi vào làm việc, dự hội nghị ở Việt Nam đều có mong muốn được kết hợp đi du lịch, trong nhiều trường hợp là du lịch tự túc, không qua công ty lữ hành du lịch. Theo quy định hiện hành thì họ phải xin cấp thị thực du lịch sau khi kết thúc chương trình làm việc chính thức, vì các thị thực nêu trên không cho phép khách đi du lịch. Vì vậy, việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích kết hợp làm việc, dự hội nghị, hội thảo và du lịch là cần thiết, giảm thiểu thủ tục cho du khách và góp phần kích cầu du lịch.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch mà vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. "Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân của 25 nước. Con số này là khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực”, đại biểu Nguyễn Hải Anh nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate