February 25, 2021 | 22:16 GMT+7

Đề xuất phê duyệt thêm 2 vaccine Covid-19 của Mỹ và Nga

Dương Thùy

2 vaccine phòng Covid-19 tiếp theo được đề xuất phê duyệt là của công ty Moderna (Hoa Kỳ) và JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế tối 25/2 thông tin, hôm nay có thêm 2 vaccine phòng Covid-19  được đề xuất phê duyệt để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống Covid-19 trong nước.

Theo đó, ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vaccine phòng Covid-19. 

2 vaccine Covid-19 được đề xuất phê duyệt lần này là của công ty Moderna (Hoa Kỳ) và còn lại là của công ty JSC Generium (Nga) - Sputnik V để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Việc phê duyệt theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Như vậy, nếu được phê duyệt đây sẽ là vaccine ngừa Covid-19 thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam được phê duyệt, trước đó hồi đầu tháng 2 Việt Nam đã phê duyệt cho vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Liên quan đến vấn đề cung ứng vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hôm qua (24/2) cũng cho biết, trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine.

Hiện nay có các nguồn vaccine gồm: nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Nguồn vaccine của AstraZeneca với khoảng 30 triệu liều. 

Với vaccine của Pfizer, hiện Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này.

Bên cạnh đó là vaccine Sputnik V của Nga, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán, phía nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.

Đối với vaccine trong nước, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine. Trong đó, vaccine của công ty Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt.

Hiện nay, lô vaccine đầu tiên với hơn 117.000 liều đã về đến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này và đến cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều.

Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate