Chiều ngày 24/2, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh tổng kết về đảm bảo an ninh hàng không dân dụng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong năm 2021.
Đặc biệt, không để xảy ra sự cố an ninh, an toàn hàng không nghiêm trọng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Sang năm 2022, Chính phủ triển khai mạnh mẽ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Do đó, hoạt động giao thông vận tải sẽ gia tăng, trong đó, hàng không sẽ tăng mạnh mẽ do nhu cầu đi lại, mở cửa kinh tế ngày càng lớn. Điều này đặt ra những nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn hàng không thời gian tới.
"Các bộ, ngành và địa phương liên quan phải nỗ lực phấn đấu để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát an ninh, an toàn, duy trì hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng, để đáp ứng các yêu cầu về nguồn lực hệ thống giám sát an ninh, an toàn hàng không quốc gia và các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO)", Phó Thủ tướng yêu cầu.
"Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế tiếp tục là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không và dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới, thay thế chỉ thị năm 2010", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải đề xuất thành lập Công ty TNHH MTV An ninh hàng không, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, chuyên nghiệp, phù hợp với bối cảnh trong nước.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều biến chủng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không.
Sản lượng chuyến bay, hành khách, hàng hóa giảm sâu. Cụ thể, năm 2021 có 157.000 chuyến bay đi/đến, giảm 38,8% so với năm 2020; 98.000 chuyến bay quá cảnh, giảm 26,3%. Lượng hành khách đạt 28,1 triệu, giảm 52,7% so với cùng kỳ, trong đó, chỉ có 320.000 khách quốc tế, tụt dốc thẳng đứng 95,5% và 27,8 triệu khách nội địa thông qua cảng, giảm 46,9%.
Với các hãng hàng không Việt, trong năm 2021 vận chuyển 14 triệu khách, giảm sâu 51,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số lượng khách nội địa đạt 13,9 triệu lượt, khách quốc tế nhỏ giọt với 144.000 lượt.
Trong phối hợp giữa các lực lượng đảm bảo an ninh hàng không, các đơn vị trong ngành hàng không dân dụng phối hợp, hỗ trợ 176 trường hợp lực lượng công an áp giải tội phạm.
Các Cảng vụ hàng không cũng bàn giao 195 vụ việc vi phạm, trong đó, có 51 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cho cơ quan công an, 3 vụ cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả vận tải hàng không quốc gia năm 2022, đại diện Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện các khung khổ pháp lý cho quản lý, đầu tư trang thiết bị để kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn hàng không, phòng chống cháy nổ, nguy cơ khủng bố tại các sân bay, cảng hàng không.
Đồng thời, sớm thành lập công ty chuyên về dịch vụ an ninh hàng không, đảm bảo quản lý hoạt động đưa đón khách trong các ga hàng không văn minh, an toàn, từng bước phục hồi vận tải hàng không góp phần phát triển kinh tế…
Trong công tác đảm bảo an ninh hàng không, theo thống kê, năm 2021, cả nước xảy ra 414 vụ vi phạm quy định đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, giảm so với cùng kỳ năm trước, các vụ việc được xử lý kịp thời và ít gây thiệt hại. Tuy nhiên, hàng loạt hoạt động uy hiếp đến hoạt động đảm bảo hàng không như tình trạng chiếu đèn laser từ nhà dân vào khu vực bay, người dân thả diều ở khu vực cấm bay, tàu bay không người lái... Ngoài ra, tình trạng cò mồi, taxi dù tại các nhà ga, bến bãi chưa xử lý dứt điểm.