Sau thời gian thí điểm “phá băng” các đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022, tính đến hết ngày 14/2, theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, lượng khách quốc tế đi, đến nước ta đạt 153 nghìn khách, với tốc độ tăng gấp 2 lần so với giai đoạn “khoá trái cửa” trước đây. Lượng khách quốc tế năm 2022 được dự báo có thể đạt 13 triệu khách, tăng thần tốc so với lượng hành khách ít ỏi 0,2 triệu năm 2021.
Những kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi từ ngày 15/2, Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay trên cơ sở các thỏa thuận tại Hiệp định Hàng không song phương, đa phương đã ký kết, như thời điểm trước dịch. Người dân đi lại dễ dàng hơn, cùng với các chương trình kích cầu du lịch các tỉnh đang triển khai, hàng không sẽ trở lại và có thể vượt mức trước dịch ngay trong năm 2022.
CỬA CHO KHÁCH DU LỊCH MỚI "HÉ"
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế như trước thời gian dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách.
Trước đó, Cục xây dựng nhiều phương án và lộ trình mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào đầu năm 2022. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên tổng kết đánh giá và hiện nay là thời điểm chín muồi để mở lại những chuyến bay quốc tế sau khoảng 2 tháng thí điểm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Dù có tín hiệu khởi sắc trong vận chuyển khách quốc tế, nhưng ông Thắng cho rằng, so với trước dịch, đây là con số khiêm tốn. Hành khách chủ yếu là khách thương mại, công vụ và đặc biệt người Việt hồi hương, chưa thu hút được khách du lịch.
Vì vậy, “cần khôi phục hoàn toàn đường bay thường lệ quốc tế để các hãng hàng không chủ động lên kế hoạch lịch bay, hành khách có nhiều cơ hội tiếp cận lịch bay, chuyến bay hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ghi nhận trong ngày đầu tiên dỡ bỏ hạn chế trong khai thác đường bay quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ đón 1.245 hành khách đến Việt Nam trên 9 chuyến bay quốc tế từ Hoa Kỳ, Australia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Campuchia…
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng khai thác tổng số 80 chuyến bay quốc tế, trong đó, có 23 chuyến bay chở khách, gồm 14 chuyến đi, 9 chuyến đến. Trong đó, lượng khách đến chỉ đạt 800 người, khách đi là 1.200 khách, không có sự thay đổi đột biến.
Việc dỡ hoàn toàn hạn chế điểm đến, tần suất bay quốc tế từ ngày 15/2 mới “hé” một cửa trong việc hút khách quốc tế đến Việt Nam.
"ÁCH TẮC" HẠ TẦNG KÌM CHÂN NỖ LỰC BẬT DẬY
Giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, vượt dự báo của Cục Hàng không Việt Nam. Thậm chí, tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất khi lượng khách qua sân bay tăng cao kỷ lục với khoảng 100.000 hành khách đến và đi trên hơn 670 chuyến bay, tương đương giai đoạn trước dịch.
Lạc quan về triển vọng của ngành hàng không năm 2022, tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, chuyên gia hàng không, lo ngại sự tăng trưởng hàng không rất mạnh mẽ trong khi sự chuẩn bị của quản lý nhà nước khá chậm, cơ sở hạ tầng không theo kịp nhu cầu hành khách.
Đề cập đến việc tạm đóng đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất để sửa chữa, nâng cấp đến ngày 15/3 tới đây, vị chuyên gia này bày tỏ sự khó hiểu: “Tại sao trong lúc dịch bệnh không lo sửa chữa đường băng để chuẩn bị cho phục hồi sau dịch bệnh, đến khi đường bay mở lại, các hãng bay, công ty du lịch rục rịch khởi động lại thì đóng cửa để sửa chữa?”.
Ngoài ra, để gỡ quá tải Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T3 phải khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020, dự định khởi công tháng 12/2021 với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng hiện nay, dự án vẫn “chậm ì”.
Ông Tống cho rằng, cần sớm thu hồi phần đất sân golf bị chiếm dụng hơn 10 năm qua để mở thêm cổng vào sân bay, nhà ga hành khách ở phía Bắc, đón khách từ miền Tây, miền Trung, còn tập trung cổng phía Nam vẫn duy trì kẹt cứng, ùn tắc.
Đất của sân bay thì chật, nhưng hiện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô gần 160 ha, kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê, rất khó hiểu.
Ngoài ra, “chưa dám chắc khi nào sân bay Long Thành đi vào hoạt động, có kịp khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 hay không, hoặc dù đi vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ gặp trở ngại về kết nối giao thông, chưa thể bằng sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là sân bay số 1 Việt Nam và là cửa ngõ quốc tế rất quan trọng”, ông Tống nhấn mạnh.
Ông Tống cho rằng, cần nhanh chóng lôi kéo doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia, như VietJet Air hay Bamboo Airways,... thay vì chỉ giao cho ACV.
SẴN SÀNG ĐÓN ĐẦU
“Vực thẳm” của ngành hàng không đi qua với những tín hiệu đáng mừng khởi đầu năm 2022. Đại diện các hãng bay đều cho rằng, mở cửa lại chuyến bay quốc tế trở thành một trong những điều kiện để hồi phục và phát triển ngành hàng không, giúp các hãng hàng không có thể quay trở lại “đường băng” do thị trường quốc tế chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của các hãng bay.
Chẳng hạn, mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu kỷ lục 100.000 tỷ, của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trong năm 2019, tương ứng 63.000 tỷ “không cánh mà bay” vì đại dịch. Với Vietjet Air, tỷ trọng doanh thu từ đường bay quốc tế cũng chiếm hơn 50%. Nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng cạn kiệt từng đẩy nhiều hãng hàng không đứng trước "vực thẳm".
Để đón đầu sự hồi phục, các hãng hàng không, các cảng hàng không, công ty quản lý bay chuẩn bị sẵn sàng từ giữa năm 2021 để khai thác từng bước trong giai đoạn quý 4/2021, ban đầu là thị trường nội địa và tiếp theo là thị trường quốc tế.
Ngay sau “hé cửa” bay thường lệ quốc tế từ tháng 1/2022, Vietnam Airlines nhanh chóng lên kế hoạch khai thác các đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam.
Dự kiến từ tháng 4/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế lên ít nhất 95 chuyến bay/tuần và từ tháng 7/2022 là ít nhất 164 chuyến bay/tuần. Với kế hoạch này, toàn bộ mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines sẽ được phục hồi khai thác trở lại như giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt hoạt động đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các chuyến bay quốc tế nhập cảnh.
Ngoài kế hoạch khai thác các thị trường khách nội địa trọng điểm, Hãng hàng không Bamboo Airways cũng lên phương án tái khai thác và tăng tần suất các đường bay quốc tế từ đầu năm 2022.
Đánh giá tiềm năng thị trường hàng không khôi phục mạnh, Bamboo Airways tiếp tục đề nghị tăng đội tàu bay từ 29 tàu hiện nay lên 100 chiếc vào năm 2028 và nâng tổng vốn đầu tư từ 5.700 tỷ đồng lên 14.800 tỷ đồng.
“Trong khó khăn bao giờ cũng chứa đựng cơ hội, sau đại dịch, cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức gay gắt. Vì vậy, Cục Hàng không dự kiến trong thời gian tới, tranh thủ cơ hội sẽ mở thêm đường bay quốc tế mới đến Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… Các hãng hàng không Việt chuẩn bị lực lượng, nguồn lực tốt để tiếp cận ngay những thị trường mới.
Để khôi phục lại các thị trường hàng không quốc tế và thị trường du lịch, phải có những điều kiện hết sức đơn giản, thuận lợi cho hành khách để khi tiếp cận thị trường Việt Nam".
“Tình hình dịch của Việt Nam được kiểm soát tốt là dấu hiệu đáng mừng về mặt y tế, người dân yên tâm hơn khiến di chuyển khiến đi lại bằng đường hàng không tăng cao, du lịch được kích hoạt.
Với đường bay quốc tế, số người Việt Nam “mắc kẹt” ở nước ngoài 2 năm qua khiến nhu cầu bay quốc tế tăng cao, triển vọng phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Ngoài ra, thông tin cấp visa trở lại theo điều kiện như trước dịch hay "tội vạ" của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vừa bị phanh phui khiến cán bộ sẽ không gây khó dễ, bắt chẹt hành khách nữa, mà tạo điều kiện thuận lợi hơn. Dự báo trong năm nay, hàng không sẽ lấy lại những gì đã mất, trở lại như trước dịch”.