Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.
Đáng chú ý, với hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, dự thảo sửa đổi Nghị định 100 quy định phạt tiền gấp 10 lần so với quy định hiện hành. Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với cá nhân, trong khi mức phạt hiện chỉ từ 1-2 triệu đồng và từ 20-24 triệu đồng đối với tổ chức, hiện nay chỉ từ 2-4 triệu đồng.
Với hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mức phạt tăng đến 10 lần, từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do vi phạm.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội, biển kiểm soát xe cơ giới được cơ quan công an cấp khi mua xe mới hoặc chuyển nhượng xe. Biển số xe là một trong những thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý về an ninh, trật tự và giao thông. Tuy nhiên, hiện nay biển số xe giả đang được mua bán dễ dàng, công khai, khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Đáng lo ngại, kẻ gian sẽ lợi dụng việc làm biển số xe giả để thực hiện các hành vi phạm tội. Đồng thời, tiềm ẩn những hậu quả khó lường khi những đối tượng cố tình dùng biển số giả để che giấu thông tin cá nhân, thực hiện các hành vi cướp giật tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cố ý gây thương tích... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng mức xử phạt đối với chủ xe và lái xe có hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép.
Trong đó, phạt tiền 4- 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe quá tải từ 10%-20%; phạt tiền 13-15 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe quá tải từ 20%-50%; phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe quá tải trên 50%. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng bổ sung xử phạt đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền qua trạm thu phí, với mức phạt 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều hành vi có tính chất nguy hiểm được đề xuất tăng mức xử phạt.
Theo dự thảo Nghị định, mức phạt đối với người đua xe tăng lên 10 - 15 triệu đồng thay vì 7 - 8 triệu đồng như quy định hiện hành. Nếu trường hợp đua ô tô, mức xử phạt cũng tăng lên 20 - 25 triệu đồng so với quy định hiện hành từ 8 - 10 triệu đồng. Đề xuất tăng mức phạt xuất phát từ việc thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng sử dụng ô tô, xe máy để đua xe trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự. Vì vậy, cần phải tăng mức phạt để răn đe, phòng ngừa.