Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với 5 đề xuất ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.
Xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đã có thông tư cho phép doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo.
Đồng thời, thời gian qua đã thực hiện ký kết các chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, công ty lớn…
Tuy nhiên, theo Bộ này, mặc dù đã có một số chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhưng các quy định còn chưa cụ thể, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau.
Đặc biệt là thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của quốc gia; thiếu quy định cụ thể về các cơ chế hợp tác, liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Do đó, Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hình thức hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại dự thảo nghị định này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất 5 chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp.
Đó là, các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về các loại thuế khác (thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); giao đất, cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất.
Chính sách về các cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhà giáo, người hướng dẫn đào tạo của doanh nghiệp
Về chính sách đào tạo tại doanh nghiệp, sẽ góp phần thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại người lao động chuyển đổi công việc đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính sách tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng ngành nhằm đảm bảo vai trò của doanh nghiệp trong việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
Còn chính sách về Quỹ Đào tạo nghề nghiệp sẽ nhằm tăng cường ràng buộc và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.
Doanh nghiệp tham gia quỹ này sẽ đóng góp một phần doanh thu theo tỷ lệ phần trăm của tổng lương cơ bản của toàn bộ cán bộ, nhân viên doanh nghiệp theo năm cho quỹ hoạt động.
Việc quy định chính sách này nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với sự nghiệp phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ Quỹ thông qua việc vay vốn đầu tư cho các hoạt động đào tạo nghề.
Về dự kiến nguồn lực thực hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc triển khai quy định cơ chế, chính sách khuyến sách doanh nghiệp tham gia hoạt động này nằm trong chương trình hành động của Chính phủ.
Nguồn lực về tài chính cần để triển khai hoạt động từ nguồn ngân sách cấp cho giáo dục và đào tạo; nguồn tài chính của doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.
Dự thảo dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8/2020.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của doanh nghiệp trong cả nước còn hạn chế. Cụ thể, có 46/397 trường cao đẳng thuộc doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ 11,6%. Có 84/519 trường trung cấp thuộc doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ 16,1% và chỉ có 181/1.032 trung tâm thuộc doanh nghiệp.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với trường nghề vẫn còn ở mức độ khiêm tốn. Hình thức hợp tác phổ biến nhất vẫn là tiếp nhận người học đến thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp; tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp và cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo.
Việc doanh nghiệp tham gia vào từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo còn rất hạn chế.