October 03, 2023 | 11:37 GMT+7

Đề xuất việc mở rộng đối tượng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nhật Dương -

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng lao động có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật, cũng như quy mô tham gia bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12/2022, mới có gần 17,49 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi, vẫn còn gần 28,4 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội (khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tính chung giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt 5%/năm.

Trong khi đó, Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Trong thực tế còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia.

Căn cứ dữ liệu quản lý thuế tập trung của ngành Thuế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2018, tổng số cá nhân người Việt Nam phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công là 20,1 triệu người, nhưng số nộp bảo hiểm xã hội chỉ có 12 triệu người, chiếm 59,7%.

Năm 2019, tổng số người có phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công là 20,6 triệu người, song số nộp bảo hiểm xã hội cũng chỉ có 12,76 triệu người, chiếm 61,9%; số này ở năm 2020 là 21,4 triệu người và số nộp bảo hiểm xã hội chỉ có 13,4 triệu người, chiếm 62,6%.

Vì vậy, Ban soạn thảo cho rằng, việc mở rộng đối tượng nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 3 của dự thảo Luật đã quy định, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Việc bổ sung các đối tượng tham gia cũng đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Với các nhóm cụ thể, hiện dự thảo Luật đề xuất bổ sung thêm 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bao gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động, hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Nhiều nhóm lao động có thu nhập, việc làm ổn định nhưng chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa - BHXH Việt Nam.
Nhiều nhóm lao động có thu nhập, việc làm ổn định nhưng chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa - BHXH Việt Nam.

Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như đề xuất của Cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng, cùng với việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài.

Đặc biệt, cần có các giải pháp hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động chủ động...

Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, hiện nay thị trường lao động ở nước ta và xu hướng của nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới, như kinh tế hợp đồng (Gig), kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ tài chính, kinh tế chia sẻ công việc....

Từ đó, làm xuât hiện nhóm người lao động mới, những người này có thể vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, hoặc lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên sự chia sẻ công việc..., họ sẽ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, dự án Luật hiện chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không, trong khi trên thế giới nhiều nước đã công nhận nhóm lao động này là làm công ăn lương.

Ngoài ra, để tiếp tục tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, cũng như khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate