September 21, 2023 | 08:22 GMT+7

Nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần

Hà Lê -

Góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Ngày 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

3,5 TRIỆU NGƯỜI HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN RỒI RỜI BỎ HỆ THỐNG BẢO HIỂM

Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Ủy ban có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để bảo đảm tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

Qua nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, đã có khoảng gần 1,5 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Còn khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội (đến thời điểm hiện tại), chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong số gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có khoảng 66% có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5% và đây cũng là nhóm có thời gian đóng bình quân dưới 5 năm.

Qua lấy ý kiến, lý do dẫn tới người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu bao gồm: Khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo cho gia đình; chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách và cho rằng nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu; lo lắng sự an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội không thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động khu vực chính thức.

Trước thực tế trên, một số ý kiến đề nghị kết hợp hai phương án Chính phủ trình; Đồng thời, nghiên cứu có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần (tương tự như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu) để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội.

CHẶT CHẼ HƠN TRONG QUY ĐỊNH VỀ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.

Do đó cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách.

Đó là khi có việc làm, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí.

Việc này để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).

Vì vậy theo bà Anh, phải "chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần" như Nghị quyết số 28 đã xác định.

Trong đó hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, quy định rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hệ trọng. Về tích hợp 2 phương án, ban soạn thảo có nghiên cứu, và nhận thấy, nếu đặt ra phương án 3 thì có thể những người mới tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ không được rút; những người đang tham gia sẽ chỉ được rút 50%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate