December 27, 2024 | 06:00 GMT+7

Đề xuất xây dựng cao tốc Quy Nhơn – Pleiku bằng vốn đầu tư công

Huỳnh Dũng -

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, dự án đường cao tốc đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với chiều dài khoảng 123km tổng vốn đầu tư khoảng 36.594 tỷ đồng sẽ được huy động bằng hình thức đầu tư công...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo Chính phủ phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo phương thức PPP sang nghiên cứu đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Dự kiến, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030.

Theo đề xuất, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có điểm đầu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 123 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85,6 km.

Quy mô đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h. Riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Bên cạnh đó, trên tuyến dự kiến đầu tư xây dựng 2 hầm là hầm An Khê (dài khoảng 2 km) và hầm Mang Yang (dài khoảng 3 km).

Qua tính toán sơ bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng mức đầu tư dự án khoảng 36.594 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 3.700 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị khoảng hơn 26.800 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư, quản lý dự án, chi phí khác hơn 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Như vậy, suất vốn đầu tư của dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 267 tỷ đồng/km, cao hơn khoảng 80tỷ đồng/km so với suất vốn đầu tư được Bộ Xây dựng công bố

Theo Bộ Giao thông vận tải nguyên nhân suất đầu tư cao do dự án có khối lượng công trình cầu và hầm chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là 2 công trình hầm tổng chiều dài khoảng 5km có chi phí vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng và công trình cầu dẫn trước hầm An Khê và Mang Yang tổng chiều dài khoảng 8km (dự kiến có chiều cao trụ lớn hơn 50m) có chi phí vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng.

Đối với hình thức đầu tư dự án, theo Bộ Giao thông vận tải, tương tự như Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, việc các địa phương đề xuất dừng nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP và chuyển sang hình thức đầu tư công là có cơ sở.

Bởi theo báo cáo của UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định vào tháng 5/2024, kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính Dự án cho thấy, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.

Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn hỗ trợ của nhà nước cần tham gia hỗ trợ Dự án chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư. Vì vậy, việc đầu tư theo phương thức PPP không hiệu quả, khó khả thi.

Hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Bình Định đề xuất đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương do ngân sách các tỉnh hạn hẹp, khó cân đối bố trí tham gia.

Tuy nhiên, trong điều kiện giai đoạn 2026-2030, Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai một số dự án có quy mô đầu tư rất lớn như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng...

Để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn, giảm áp lực lên ngân sách Trung ương, đồng thời tăng trách nhiệm của các địa phương khi là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ việc đầu tư dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Bình Định xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2026-2030 để cùng tham gia đầu tư dự án, phù hợp với quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước mới được Quốc hội khoá XV thông qua.

Chi tiết về việc cân đối nguồn vốn đầu tư dự án sẽ được nghiên cứu cụ thể trong bước lập bBáo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate