Nếu được chấp thuận, Trung tâm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, mà còn giúp tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Những năm gần đây, thương mại nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng nhanh và ổn định. Chỉ tính riêng năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đã đem về hơn 10,3 tỷ USD, chiếm 25,1% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam, trong khi nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc chỉ là 2,87 tỷ USD.
GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG ÁCH TẮC HÀNG HÓA
Các nhóm mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang Trung Quốc gồm rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cao su, sản phẩm từ cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Rau quả là mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 35% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường này và chiếm 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Những năm gần đây, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng nhanh, nhất là hàng tạm nhập tái xuất bằng container. Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua cửa khẩu Móng Cái vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao, trung bình đạt khoảng 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động thương mại biên giới thông qua cửa khẩu Móng Cái vẫn còn đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế chưa tương xứng. Do đích cảng thường là cảng Hải Phòng nên các doanh nghiệp phải về làm thủ tục hải quan ở Hải Phòng và thuê phương tiện vận tải thủy hoặc bộ đưa ra Móng Cái, từ đó mới xuất hàng đi Trung Quốc được.
Việc này đã gây tốn kém nhiều thời gian đi lại và công sức, chi phí cũng như rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là trong thời gian gần đây, tại các cảng biển Hải Phòng thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa do hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông bị quá tải.
Thời gian vừa qua, hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất nhập khẩu qua đường biên còn chậm trễ do khác biệt trong chính sách, những đợt kiểm tra, giám sát và các yêu cầu mới Trung Quốc đưa ra thường gây gián đoạn, khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, có đợt gián đoạn dài ngày gây ách tắc nhiều hàng hóa và tổn thất cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Ninh cũng vẫn chưa có một trung tâm cung ứng nông sản nào đặt tại vị trí đường biên đủ quy mô và năng lực để thúc đẩy thương mại biên giới và tiến hành các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản nhập khẩu.
Việc có một trung tâm cung ứng nông sản tập trung sẽ giúp bảo quản tốt hàng nông sản trong thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục hải quan. Nếu giá bị xuống thấp, doanh nghiệp có thể tiến hành lưu kho bãi, chờ giá mua hàng từ phía Trung Quốc tăng mới bán.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, các kho ngoại quan nằm rải rác trên địa bàn Thành phố Móng Cái, thậm chí nằm xen kẽ trong các khu dân cư như hiện nay, đã gây ảnh hưởng đến việc kiểm tra, giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái. “Nếu quy hoạch duy nhất một khu vực để tập kết và kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản sẽ khắc phục bất cập trên. Đặc biệt là sẽ đảm bảo hàng hóa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách thống nhất theo quy định của Hải quan Trung Quốc. Điều này giúp tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nghiên cho biết.
NÂNG CAO LỢI THẾ XUẤT KHẨU
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản bền vững, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chấp thuận đưa Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương vào danh mục hoạt động tham gia dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương trong hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Km3+4 (sông Ka Long, Tp.Móng Cái). Dự án bao gồm 3 hợp phần: xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng năng lực thể chế về an toàn thực phẩm; quản lý dự án. Tổng kinh phí xây dựng là 2.760 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp là 1.884 tỷ đồng; ngân sách Trung ương khoảng 816 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng.
Trung tâm được định hướng là một chợ đầu mối nông sản, là một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị nhằm cung cấp các thủ tục xuất nhập khẩu, các dịch vụ logistics, giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt quy trình, chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết Trung tâm cung ứng nông sản châu Á-Thái Bình Dương nếu được xây dựng, sẽ là giải pháp hỗ trợ mặt bằng tập kết các mặt hàng nông sản của nhiều vùng trên cả nước, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiện đại nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là địa điểm để các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể triển khai chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểm soát các sự cố về nhiễm độc thực phẩm, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường... Đồng thời, Trung tâm cũng là hình thức kinh doanh thu hút được vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân theo hình thức hợp tác công tư.
Theo ông Hoàng Quang Thái, đại diện Công ty cổ phần Thành Đạt - đơn vị quản lý Cảng cạn (ICD) Thành Đạt, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phần vốn đối ứng của doanh nghiệp và toàn bộ phần diện tích 95 ha phục vụ xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á-Thái Bình Dương. Nếu dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty sẽ lập tức tiến hành các bước xây dựng trung tâm tại Km3+4 với đầy đủ các hạng mục, đảm bảo sớm đưa trung tâm này vào vận hành, phục vụ việc đẩy nhanh xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản.
Vừa qua, sau khi khảo sát thực địa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã hoàn toàn nhất trí với đề xuất này của tỉnh Quảng Ninh. Ông Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sớm có báo cáo chính thức để Bộ báo cáo các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu dành nguồn vốn ODA cho dự án.
“Việt Nam có lợi thế rất lớn về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc do có chung đường biên giới dài 1.450 km. Tuy nhiên, cũng chính đường biên giới dài lại là khó khăn cho việc kiểm soát thương mại, xuất nhập khẩu tiểu ngạch hay hoạt động giao thương cư dân biên giới cho nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản. Nếu thiết lập được một trung tâm nông sản tại Móng Cái, thì đây sẽ làm tiền đề để xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc một cách bài bản, giảm thiểu các rủi ro biên mậu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.