Cuối giờ chiều 11/9/2021, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các Bộ và 5 tỉnh miền Trung về phòng chống bão số 5.
HUY ĐỘNG 15 MÁY BAY, 105 TÀU, HÀNG NGHÌN PHƯƠNG TIỆN
TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, cho biết chiều nay (11-9), vị trí tâm bão còn cách bờ biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi khoảng 130km, hoạt động ở cấp 9, có xu hướng di chuyển chậm.
Trong 6-12 giờ tới, bão tiếp tục đi theo hướng Tây, có dấu hiệu suy yếu dần xuống còn cấp 8 trước khi đổ vào đất liền. Dự báo đến 1 giờ sáng 12/9, tâm bão cách Đà Nẵng 50 km, sức gió cấp 8, giật cấp 10.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5, với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9. Bão đổ bộ vào đúng lúc triều cường, với thủy triều ở mức cao nhất 1,5m trong thời gian bão đổ bộ đêm 11/9; dự báo sẽ có sóng cao từ 4-5m.
Về lượng mưa, từ 19 giờ 10/9 đến 13 giờ 11/9, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa lớn từ 100-250 mm, một số trạm mưa lớn như: Thượng Lộ (Thừa Thiên -.Huế) 306mm, Túy Loan (Đà Nẵng) 257mm, Trà Khót (Quảng Nam) 230mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 262mm.
Dự báo từ ngày 11-13/9, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết Quân khu 4 và Quân khu 5 đã triển khai lực lượng, huy động 530 nghìn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ… sẵn sàng giúp dân trên các địa bàn sẽ bị ảnh hưởng của bão số 5, ứng phó tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, đã huy động 15 máy bay trực thăng, 105 tàu, 160 xe đặc chủng, hơn 1.000 xuồng các loại, để ứng phó với cơn bão này.
Đại tá Châu thông tin thêm: “Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hải quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị tàu và máy bay để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn trên biển khi có tình huống; đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch Covid-19”.
Tính đến 13 giờ ngày 11/9, các lực lượng Biên Phòng, Hải quân và Cảnh sát Biển đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.500 tàu thuyền với 349.088 lao động di chuyển về bờ; hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm. Riêng tàu cá Quảng Ngãi QNg-95058TS/05LĐ bị chết máy, phá nước ở gần đảo Lý Sơn, hiện Cảnh sát biển vùng III đã huy động tàu ra cứu nạn.
PHẢI ĐẢM BẢO AN TOÀN TÍNH MẠNG VÀ TÀI SẢN CỦA DÂN
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 17.229 ha diện tích và 5.097 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần phải sơ tán dân lên bờ.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19, dự kiến: phương án sơ tán 331.392 dân khu vực ven biển (Quảng Trị 67.100; Thừa Thiên Huế 69.366; Đà Nẵng 58.683; Quảng Nam 172.373; Quảng Ngãi 24.442).
Đồng thời đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Hiện có 2.031 ca F0 tại 3 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên.Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Đối với đê biển, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 5 vị trí đê điều xung yếu, trực diện biển và 14 công trình đê, kè đang thi công dở dang. Trong đó, cần quan tâm đến các công trình thi công dở dang trực diện biển đó là: đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế, kè biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lo ngại cơn bão này có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung.
Cơn bão này đổ bộ trong điều kiện rất đặc biệt, chúng ta phải chống bão trong khi đang phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Do khu vực bão đổ bộ là nơi đang có hàng ngàn ca F0 nên theo nguyên tắc là hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Bên cạnh đó, cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão.
"Ngay chuyện xe cộ đi lại trong bão như thế nào, cũng là vấn đề. Hiện nay tại một số địa phương, xe đi chỉ đạo chống bão đã bị ách tắc không di chuyển được, do các địa phương yêu cầu luồng xanh", Thứ trưởng Hiệp băn khoăn.
Vì vậy, các địa phương phải có phương án thống nhất, đảm bảo thông suốt trong chỉ đạo, ví dụ việc xe cộ đi lại thế nào, nếu không có luồng xanh riêng cho các phương tiện, cơ quan trực tiếp tham gia chống bão thì sẽ là trở ngại.
Với các tàu thuyền neo đậu, quan điểm là khi bão đổ bộ, thì ngư dân phải được đưa hết lên bờ. Lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng vừa báo cáo có hàng chục tàu thuyền với hàng trăm ngư dân ở các địa phương khác đang đậu ở âu thuyền Thọ Quang. Phải đợi test covid sau đó chờ có lệnh thì mới được lên bờ.
Thứ trưởng Hiệp đề nghị các địa phương lo cho thuyền viên của các địa phương khác như thuyền viên của địa phương mình, cần lo chỗ ăn ở đảm bảo cho họ.
Dự báo trong khu vực ảnh hưởng bão sẽ có khoảng 40 huyện có nguy cơ ngập lụt, trong đó các thành phố Huế, Hội An, TP Đà Nẵng, Tam Kỳ là những rốn nước. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu:"Với lượng mưa như thế, cần phải tính toán xem mức nước sẽ lên bao nhiêu để có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”.