Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone - một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử tại Việt Nam, cho rằng hợp đồng điện tử đang là xu thế tất yếu, bởi nó không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội, cho nền kinh tế, cho mỗi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước có những thông tin số để phân tích, điều hành nền kinh tế số nhanh chóng, kịp thời.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường hợp đồng điện tử của Việt Nam hiện nay?
Thị trường cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử ở Việt Nam đã phát triển một thời gian tuy nhiên hành lang về pháp lý thì cũng chưa thực sự hoàn thiện. Việc tham gia của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vào xây dựng Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để các nhà cung cấp dịch vụ kết nối có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ được thể chế hóa.
Ngoài ra, với xu hướng thương mại điện tử và kinh tế số, các hợp đồng điện tử này sẽ giúp giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức được thuận tiện hơn thay vì phải mất rất nhiều thời gian và tài nguyên để triển khai hợp đồng theo hình thức giấy truyền thống.
Chi tiết hơn, những lợi ích mà hợp đồng điện tử mang lại là như thế nào, thưa ông?
Khi áp dụng hợp đồng điện tử, đầu tiên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn lực in ấn và quản lý hợp đồng, lưu trữ hợp đồng. Thứ hai là dễ dàng trong việc thống kê truy xuất được các hợp đồng đã ký với khách hàng. Và thứ ba là tạo điều kiện tốt hơn trong quy trình cung cấp dịch vụ với khách hàng. Cụ thể khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ thay vì phải gặp mặt trực tiếp hoặc gửi qua chuyển phát để ký kết thì việc sử dụng phương thức điện tử sẽ là bước hoàn chỉnh để người sử dụng dịch vụ hoặc người ký hợp đồng điện tử thực hiện một cách nhanh gọn nhất.
Bên cạnh đó, về mặt môi trường thì do phương thức điện tử sẽ giúp các bên không phải in giấy, dẫn tới việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tăng cường bảo vệ môi trường.
Về mặt bảo mật thì tất cả thông tin của người ký, người cung cấp hợp đồng và bản thân hợp đồng đấy đều được ký số và được bảo mật trên môi trường mạng cũng như các thiết bị lưu trữ theo các quy định của pháp luật giúp người sử dụng hoàn toàn yên tâm.
Cuối cùng, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp lý thì các bên đều dễ dàng truy xuất được thông tin hợp đồng cũng như lịch sử hợp đồng, lịch sử ký kết, xác nhận một cách nhanh chóng, tin cậy và do đặc tính không thể chối bỏ trên bản ký điện tử đó các bên không phải tốn công chứng mình bản gốc của hợp đồng. Và với hợp đồng điện tử, theo tôi, sẽ giúp cơ quan quản lý như trọng tài, pháp lý dễ dàng thu thập và tổng hợp các bằng chứng giúp xử lý các vụ kiện, tranh chấp một cách dễ dàng thuận tiện hơn.
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi địa phương và từng doanh nghiệp. Vậy theo ông, quá trình chuyển đổi số này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của hợp đồng điện tử?
Nền hành chính của Việt Nam như đã biết phụ thuộc rất nhiều vào giấy tờ - thứ vốn không tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, trong khi số lượng hợp đồng trong nền kinh tế rất nhiều đặc biệt là các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự thì đều bắt đầu bằng hợp đồng.
Do vậy, khi áp dụng hợp đồng điện tử sẽ không chỉ tiết kiệm được nguồn lực của toàn xã hội mà còn tạo ra các dữ liệu đầu vào cho các giao dịch điện tử. Các giao dịch điện tử này sẽ được số hóa trên nền các nội dung của hợp đồng điện tử để triển khai thương mại điện tử, qua đó thúc đẩy kinh tế số phát triển. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có những thông tin số để phân tích, điều hành nền kinh tế số.
Khi áp dụng hợp đồng điện tử trong nền kinh tế thì những quy định về ràng buộc giữa hai bên đã được soạn thảo sẵn. Có hai loại, một là hợp đồng mẫu sẵn (như bán bảo hiểm, dịch vụ viễn thông cho gia đình, các dịch vụ về thị trường smart…) thì việc giao dịch giữa hai bên hoàn toàn có thể thực hiện trên môi trường mạng - nghĩa là dùng app, website của nhà cung cấp dịch vụ đã có thể ký được hợp đồng, không cần thiết phải tiếp xúc với nhân viên cung cấp dịch vụ, do đó sẽ tiết kiệm được rất lớn chi phí, nguồn lực.
Thêm nữa, khi áp dụng hợp đồng điện tử đối với một số nhóm ngành theo quy định của pháp luật như hợp đồng lao động thì khi các bên tham gia hợp đồng cung cấp thông tin vào các mẫu (form) hợp đồng thì được chuyển hóa thành các thông tin của cơ quan quản lý nhà nước và như vậy việc số hóa được bắt đầu ngay từ khâu đầu tiên (tìm hiểu dịch vụ, cung cấp thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ để làm hợp đồng, điền form… ) tất cả chuỗi thông tin này được số hóa và tạo thành một nguồn cung cấp dữ liệu duy nhất và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Ví dụ trong ngành bảo hiểm nhân thọ, một tháng ký khoảng 1 triệu hợp đồng thì nhân viên bán bảo hiểm phải mang hợp đồng tới khách hàng ký mấy bản sao, rồi các bản đó khác nhau như thế nào cũng không biết. Song nhân viên bảo hiểm lại mang hợp đồng đến địa điểm khách hàng để ký, như thế với cả triệu hợp đồng, mỗi hợp đồng lại gồm nhiều bản/nhiều lần ký sẽ vô cùng tốn kém chi phí đi lại.
Chưa kể, sau đó, các công ty bảo hiểm lại cần có người thu thập hợp đồng, đọc xem đúng không, rồi chuyển hóa thành dữ liệu số thì các bộ phận khác mới sử dụng được và mới cung cấp ra đơn bảo hiểm. Chỉ quy trình như trong lĩnh vực bảo hiểm thôi đã có thể thấy hợp đồng bảo hiểm điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, cá nhân tiết kiệm chi phí rất lớn và tạo lợi ích cụ thể cho nền kinh tế.
Tóm lại, khi ngành ngành, nhà nhà, doanh nghiệp chuyển đổi số thì bắt đầu từ hợp đồng điện tử mà quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu – thì đây là bước đầu tiên để có dữ liệu và dữ liệu được bảo mật từ khâu đầu đến khâu cuối, nguồn cung cấp duy nhất là chính xác, có đơn vị xác thực.
Nhưng quá trình số hóa dữ liệu hợp đồng điện tử sẽ tạo ra một lượng dữ liệu rất khổng lồ, vậy làm cách nào để bảo vệ lượng dữ liệu khổng lồ đó?
Công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được đặt lên hàng đầu đối với các sản phẩm VNPT nói chung và VNPT eContract nói riêng. Trong suốt quá trình phát triển sản phẩm eContract từ trước tới nay, nhóm dự án luôn yêu cầu Trung tâm an toàn thông tin của VNPT xem xét, đánh giá an toàn kể từ khâu thiết kế đến phát triển phần mềm.
Trước khi đưa sản phẩm lên chính thức hoặc gửi cho khách hàng tích hợp đều được Trung tâm an toàn thông tin kiểm thử xâm nhập và cấp chứng chỉ xác nhận đủ điều kiện an toàn thông tin thì mới được bàn giao cho khách hàng. Định kỳ hàng quý, sản phẩm cũng được kiểm thử an toàn thông tin và thực hiện fix các lỗi an toàn thông tin nếu phát hiện bất cứ nguy cơ nào.
Bên cạnh đó, hợp đồng, tài liệu điện tử được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu IDC hiện đại bậc nhất Việt Nam, đạt chứng nhận Hệ thống An toàn thông tin ISO/IEC 27001:2013, Quản lý chất lượng ISO 9001:2015, với nhiều giải pháp bảo mật chống tấn công từ bên ngoài 24/7 giúp các giao dịch điện tử qua VNPT eContract đạt an toàn tối đa.
Trên thị trường hiện có nhiều nhà cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử, ông nhìn nhận thế nào về sức cạnh tranh của Hợp đồng điện tử VNPT eContract của VNPT-VinaPhone, đặc biệt là vấn đề bảo mật?
Hợp đồng điện tử là công cụ giao kết tuy nhiên để thực hiện giao kết thì các bên phải có công cụ ký và xác thực đảm bảo an toàn. VNPT với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin lâu đời với đầy đủ các giải pháp ký điện tử sử dụng SMS OTP, eKYC, chữ ký số Token, chữ ký số từ xa (remote signing),… và cộng đồng khách hàng đông đảo đang sử dụng dịch vụ trên toàn quốc sẽ giúp cho việc thực hiện các giao kết hợp đồng một cách an toàn và mang tới cho khách hàng trải nghiệm hoàn chỉnh chỉ trên 01 ứng dụng duy nhất.
Bên cạnh đó, VNPT eContract có các ưu điểm nổi bật. Thứ nhất chúng tôi thiết kế dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain - công nghệ chống chối bỏ. Thứ hai là về bảo mật, chúng tôi áp dụng những công nghệ bảo mật tốt nhất để phát triển sản phẩm, để thực hiện quá trình ký số và lưu trữ. Và thứ ba là dễ dàng tích hợp trên các hệ sinh thái, trên các nền tảng cung cấp dịch vụ của khách hàng, của các nhà cung cấp dịch vụ để khách hàng (B2B2C) có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ của VNPT.
Xin cảm ơn ông.