Thị trường thương mại nhanh đang mở rộng nhanh chóng. Các ông lớn bán lẻ trên toàn cầu hiện đang áp dụng dịch vụ giao hàng siêu tốc để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng cảm thấy bất tiện khi mua sắm tại cửa hàng.
Hiểu được tâm lý khách hàng, các nền tảng giao hàng như Baemin (Hàn Quốc) hay Uber Eats và DoorDash (Mỹ) đang mở rộng danh mục phục vụ giao hàng, ngoài thực phẩm.
Chẳng hạn như Baemin, ứng dụng giao hàng hàng đầu Hàn Quốc, đã rời Việt Nam ít lâu, đang hợp tác với Chuỗi siêu thị Emart của Hàn Quốc đỂ cung cấp dịch vụ giao hàng chưa tới 1 giờ cho hơn 3.000 mặt hàng.
Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng đã “nhảy” vào cuộc đua thương mại nhanh, GS25, CU và 7-Eleven của Hàn Quốc cũng giao hàng chưa đến một giờ cho khách hàng.
Tại Mỹ, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hiện cung cấp dịch vụ giao thuốc theo toa trong vòng 30 phút tại sáu tiểu bang của Mỹ và có kế hoạch mở rộng dịch vụ này lên 49 tiểu bang vào tháng 1. Amazon cũng đang phát triển dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để giao thuốc theo toa trong vòng 60 phút.
Nếu trước đây chỉ có giao đồ ăn mới được vận chuyển nhanh chóng, sự cạnh tranh khiến cho ngay cả các mặt hàng tạp hóa và đồ gia dụng thường mất đến tận chiều hoặc ngày hôm sau mới đến tay khách hàng cũng được vận chuyển cấp tốc.
Một người trong ngành lưu ý: "Những người tiêu dùng trẻ tuổi, vốn quen với dịch vụ giao đồ ăn, giờ đây thấy dịch vụ giao hàng trong ngày hôm sau là quá chậm và sẵn sàng trả nhiều hơn để được giao hàng ngay lập tức. Nhu cầu này đang thúc đẩy nhiều công ty hơn tham gia vào thị trường thương mại nhanh".
Tại Hàn Quốc, nhu cầu của dịch vụ giao đồ ăn tăng cao đã thúc đẩy tạo ra 400.000 nhân viên giao hàng, giúp các dịch vụ giao hàng nhanh cất cánh.
Một chuyên gia khác trong ngành cho biết các hệ thống công nghệ thông tin được cải thiện để dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng và quản lý hàng tồn kho cũng đang thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thương mại nhanh.