Theo Vitas, tình hình Covid-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Đây thực sự là mối lo lớn, ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Vitas cho rằng, từ năm 2020 khi dịch bùng phát đến nay, Việt Nam nổi lên trên trường quốc tế như một quốc gia điển hình về thành công trong phòng chống dịch, giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngành dệt may là ngành có lực lượng lao động gần 3 triệu người, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021 dự kiến xuất khẩu 40 tỷ USD. Đặc biệt, có những doanh nghiệp sử dụng hàng vạn người, tập trung với mật độ cao.
Tuy nhiên, nếu không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ bị phá vỡ. Một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, lao động mất việc không còn thu nhập.
Hơn nữa, Vitas cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, huỷ đơn hàng. Như vậy, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Việt Nam.
Do vậy, Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị được ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch. Ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm cho người lao động, theo chủ trương xã hội hoá mà chính phủ đề xuất, nhằm đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine.
Đồng thời, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.