Khi đắc cử Tổng thống Mỹ cách đây 4 năm, ông Donald Trump thừa hưởng từ người tiền nhiệm Barack Obama một nền kinh tế mạnh. Trong 3 năm đầu tiên cầm quyền của ông, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng rồi đại dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ thay đổi.
Vào thời điểm ông Trump nhậm chức tháng 1/2017, nền kinh tế lớn nhất thế đang trong tình trạng sức khỏe rất ổn. Số lượng việc làm đã tăng suốt 76 tháng liên tục, chuỗi tăng dài kỷ lục khi đó, và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, thấp nhất 10 năm. Lợi nhuận các công ty niêm yết ở Phố Wall gần mức cao nhất mọi thời đại, và thị trường chứng khoán cũng gần đạt kỷ lục.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ khi đó chỉ đạt 2,5% mỗi năm, một con số khá khiêm tốn. Ngoài ra, có một số vấn đề đáng lo ngại, như nợ của chính phủ liên bang ở mức cao nhất kể từ thập niên 1950. Dù vậy, nhìn tổng thể, không ai có thể phủ nhận một điều rằng kinh tế Mỹ ở thời điểm đó đang vững vàng.
Mọi chuyện có lẽ sẽ tiếp tục suôn sẻ cho tới cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nếu như Covid-19 không xuất hiện.
Hãng tin CNN đã điểm lại thành tựu kinh tế Mỹ trong 4 năm cầm quyền vừa qua của ông Trump qua 10 biểu đồ, so sánh những gì ông Trump làm được với di sản của các Tổng thống tiền nhiệm gần đây, kể từ Tổng thống Ronald Reagan.
Một điểm cần lưu ý là mỗi Tổng thống Mỹ lên cầm quyền trong một bối cảnh khác nhau. Năm đầu cầm quyền của Tổng thống George W. Bush bị bủa vây bởi vụ nổ bong bóng dotcom và vụ tấn công khủng bố 11/9. Tổng thống Barack Obama bắt đầu lãnh đạo đất nước được chưa lâu thì khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái sâu xuất hiện.
Mặc những khó khăn đó, hầu hết các Tổng thống Mỹ gần đây đều chứng kiến nền kinh tế Mỹ đi lên trong nhiệm kỳ của họ. Về phần mình, nhiệm kỳ của ông Trump bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cả về y tế và kinh tế.
Dưới đây là 10 biểu đồ của CNN về di sản kinh tế Mỹ của Tổng thống Trump:
VIỆC LÀM: THIỆT HẠI LỚN
Cho tới năm nay, một điểm sáng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là sự tăng trưởng việc làm vững vàng. Nhưng rồi Covid-19 đã khiến người lao động Mỹ mất 15% số công việc chỉ trong vòng 2 tháng. Từ tháng 5 đến nay, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục được khoảng một nửa số việc làm bị mất, nhưng ông Trump chuẩn bị bước vào cuộc tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai với mức độ mất mát việc làm tồi tệ nhất dưới thời bất kỳ một Tổng thống Mỹ nào.
Ngược lại, ở cùng thời điểm như hiện nay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, thị trường việc làm Mỹ tăng khoảng 0,4% so với lúc ông Obama nhậm chức. Ông Obama lên cầm quyền khi các công ty Mỹ cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng. Ở cuối nhiệm kỳ của ông Obama, tốc độ tuyển dụng lao động ở Mỹ đã tăng mạnh.
TỶ LỆ THẤT NGHIỆP: TĂNG MẠNH
Khi trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, ông Trump kế thừa từ chính quyền Obama một trong những thị trường việc làm mạnh nhất lịch sử Mỹ. Nhưng Covid-19 đã chấm dứt giai đoạn hoàng kim này. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ năm nay có lúc vọt lên 14,7%, tăng 10 điểm phần trăm so với khi ông Trump nhậm chức. Gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có sự cải thiện nhưng vẫn còn ở mức cao. Chưa có một Tổng thống nào khác của Mỹ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và bất ngờ đến như vậy.
THU NHẬP TRUNG BÌNH: TĂNG MẠNH
Ông Trump thường thích thú khi nói về việc thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Mỹ đã tăng như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, và điều này đúng trong 3 năm đầu tiên ông cầm quyền. Tháng 9 năm nay, Cục Thống kê dân số Mỹ công bố số liệu cho thấy trung bình, mỗi hộ gia đình Mỹ có mức thu nhập 68.703 USD trong năm 2019, tăng 5.800 USD, tương đương tăng 9%, từ năm 2006, sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Một thị trường việc làm mạnh đã giúp tăng thu nhập. Ngoài ra, hơn 20 tiểu bang cũng tăng lương tối thiểu, giúp cải thiện thu nhập cho người lao động thu nhập thấp.
Hiện chưa có dữ liệu về thu nhập của hộ gia đình Mỹ trong năm 2020, nhưng dịch bệnh chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến những con số này. Đối với một số gia đình, tấm séc kích cầu trị giá 1.200 USD và khoản hỗ trợ thất nghiệp tạm thời 600 USD mỗi tuần thực sự quan trọng trong thời gian đại dịch. Nhưng đối với nhiều người khác, nhất là những người mất đi cơ sở kinh doanh hoặc phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp dài hạn, đủ sống đã là việc khó.
CHỈ SỐ S&P 500: TĂNG MẠNH
Thị trường giá lên (bull market) dài nhất lịch sử chứng khoán Mỹ bắt đầu không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức và tiếp tục trong nhiệm kỳ của ông Trump. Giới đầu tư hào hứng với chương trình giảm thuế mà ông Trump đưa ra vào năm 2017, và dù thương chiến Mỹ-Trung gây nhiều sợ hãi, giá cổ phiếu ở Phố Wall tiếp tục đà tăng trong năm 2020.
Khi đại dịch bắt đầu hồi đầu năm nay, S&P 500 lao dốc khoảng 34% chỉ trong vòng 1 tháng, để rồi phục hồi nhanh chóng trong mùa hè. Đến ngày 27/10, chỉ số này đã tăng 49% so với thời điểm ông Trump bắt đầu cương vị người đứng đầu nước Mỹ. Đây thực sự là một điểm cộng cho ông Trump, nhưng vẫn còn kém so với mức tăng 76% dưới thời ông Obama và mức tăng 64% dưới thời Tổng thống Bill Clinton ở cùng thời điểm của nhiệm kỳ.
GIÁ NHÀ: TĂNG MẠNH
Thị trường nhà đất là một trong số ít những lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ không chịu sự sụt giảm mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19. Đó một phần là nhờ mức lãi suất thấp kỷ lục và xu hướng làm việc tại nhà dẫn tới việc nhiều cư dân thành thị chọn mua nhà ở các khu vực ngoại ô và nông thôn, khiến giá nhà ở nhiều khu vực như vậy tăng lên.
Ngoài ra, thị trường địa ốc Mỹ còn được nâng đỡ bởi các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay thế chấp nhà trong thời gian đại dịch. Các khoản nợ thế chấp nhà được giãn đó rồi cũng sẽ đến lúc phải được hàng triệu hộ gia đình thanh toán, gây ra sức ép cho giá nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá nhà ở Mỹ đã tăng 21% kể từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
GIÁ THỰC PHẨM: TĂNG ÍT
Người Mỹ có thể cảm thấy hóa đơn thực phẩm của họ đang tăng, nhưng đó chẳng qua là bởi giá thực phẩm ở nước này bất ngờ tăng mạnh trong thời gian đại dịch. Nhìn trong dài hạn, giá thực phẩm ở Mỹ tương đối ổn định. Ở thời điểm như hiện tại vào thời các Tổng thống Reagan, Bush cha, Clinton và Bush con, giá thực phẩm đã tăng khoảng 9% hoặc hơn. So với khi ông Trump bắt đầu nắm quyền, giá thực phẩm ở Mỹ hiện mới chỉ tăng 6,1%, và mức tăng tương tự thời Tổng thống Obama là 5,9%, phản ánh một thời kỳ lạm phát thấp.
TIÊU DÙNG: TĂNG, NHƯNG KÉM SO VỚI CÁC THỜI TRƯỚC
Người tiêu dùng là trụ cột của kinh tế Mỹ và không dễ nản lòng trong những giai đoạn khó khăn. Khi đại dịch mới bắt đầu, người tiêu dùng Mỹ cắt giảm mạnh chi tiêu, nhưng nhanh chóng mở ví trở lại vào tháng 5 và tháng 6 khi séc kích cầu và hỗ trợ thấp nghiệp được Chính phủ giải ngân.
Tiêu dùng vào hàng hóa, đặc biệt là mua sắm trực tuyến, tức thời khởi sắc. (Trong khi đó, tiêu dùng dịch vụ như cắt tóc, du lịch và ăn uống tại nhà hàng hiện vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước dịch vì các biện pháp giãn cách xã hội). Dù phục hồi nhanh, tiêu dùng ở Mỹ dưới thời ông Trump vẫn tăng ít hơn so với dưới thời 5 Tổng thống tiền nhiệm.
VIỆC LÀM TRONG NGÀNH SẢN XUẤT: GẦN NHƯ KHÔNG THAY ĐỔI
Số lượng việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đạt đỉnh cao vào năm 1979, và kể từ đó, không một Tổng thống Mỹ nào, ngoại trừ Tổng thống Clinton, chứng kiến số lượng việc làm tăng trong ngành này. Bởi vậy, khi ông Trump hứa đưa việc làm quay lại các nhà máy ở Mỹ, đó thực sự là một việc không dễ.
Trong 3 năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump, ngành sản xuất của nước này thực sự có thêm một số việc làm, nhưng trong 2020, đại dịch đã phá hỏng bước tiến nhỏ bé đó. Đến tháng 9 năm nay, ngành sản xuất Mỹ mất 164.000 công việc, tương đương mức giảm 1,3%, so với khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, mức độ mất việc làm trong ngành này còn lớn hơn dưới thời các Tổng thống Reagan, Obama và cha con nhà Bush, do toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ làm suy giảm nhu cầu nhân công trong các nhà máy.
TỶ LỆ NỢ CÔNG SO VỚI GDP: TĂNG MẠNH
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, gánh nặng nợ nần của Chính phủ liên bang Mỹ chưa bao giờ cao như thế này nếu so với quy mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức nợ lên cao đến như vậy không phải chỉ do chính quyền ông Trump. Nợ đã tăng từ thời Reagan, người mạnh tay cắt giảm thuế, và cũng tăng chóng mặt dười thời Obama, người tung các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn để đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng tài chính và suy thoái.
Ở thời điểm ông Trump lên cầm quyền, tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ là khoảng 76%. Đến giữa năm nay, con số đã là 105%, tăng 29 điểm phần trăm. Các nhà kinh tế học thường khuyến khích việc Chính phủ trả nợ khi kinh tế tăng trưởng tốt và chi tiêu khi nền kinh tế suy yếu. Nhưng ông Trump tăng nợ cả khi kinh tế mạnh và yếu. Phần lớn số nợ tăng thêm là do các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch, nhưng các chính sách trước đó như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng chi tiêu quốc phòng cũng đẩy khối nợ tăng mạnh.
GDP: SUY THOÁI SÂU
Là thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) được tính bằng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra tại một quốc gia. GDP của Mỹ thường tăng 2-3% mỗi năm sau khi trừ đi lạm phát. Trong 3 năm đầu ông Trump cầm quyền, tăng trưởng GDP của Mỹ nằm trong khoảng đó, nhưng năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Trong quý 2, GDP của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 1947.
Nhiều nhà kinh tế học dự báo doanh nghiệp và người lao động Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục hoàn toàn khỏi đợt sụt giảm kinh tế nghiêm trọng này.