Những năm gần đây, sản phẩm du lịch về nguồn vẫn luôn giữ được một vị trí nhất định trên thị trường. Các công ty lữ hành mỗi năm đều chào bán một số sản phẩm đưa du khách tham quan chiến trường xưa hoặc đến di tích lịch sử cách mạng với mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Riêng năm 2025, xu hướng đổ về TP.HCM du lịch dịp lễ 30/4 không chỉ thuộc dòng khách trong nước, mà rất nhiều đoàn khách nước ngoài cũng đăng ký trải nghiệm.
Nhờ vào điểm tựa cảm xúc là chuỗi sự kiện quy mô cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), các tour du lịch nội đô và tour liên kết giữa TP.HCM với các địa phương lân cận ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, đại diện iVIVU, tỷ lệ khách đặt tour nội địa năm 2025 chiếm tới 60%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.
SẢN PHẨM MỚI TỪ NHỮNG ĐỊA DANH CŨ
Sau khi công chiếu vào đầu tháng 4/2025, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong công chúng. Tính đến giữa tháng 4/2025, bộ phim đã trở thành phim chiến tranh Việt Nam đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đồng. Không chỉ tạo dấu ấn tại phòng vé, bộ phim còn góp phần thúc đẩy du lịch về nguồn, đặc biệt tại địa đạo Củ Chi. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của BestPrice, cho biết tour “Trở về miền đất thép” do công ty tổ chức hiện đang trong tình trạng “cháy chỗ”.
Tín hiệu tích cực này cũng được ghi nhận tại các công ty lữ hành khác. Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều tour tham quan các điểm đến lịch sử như Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng và hầm vũ khí Biệt động Sài Gòn. “Chúng tôi đang đẩy mạnh các tour được thiết kế linh hoạt theo từng nhóm đối tượng: học sinh, sinh viên, đoàn thể và du khách lớn tuổi, tạo cơ hội kết nối giữa truyền thống và trải nghiệm thực tế”, đại diện Saigontourist cho biết.

Bên cạnh tour Củ Chi, các hành trình khám phá nội thành TP.HCM và vùng phụ cận cũng ghi nhận sức hút đáng kể trong dịp lễ năm nay. Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ Thông tin của BenThanh Tourist, cho biết: “Lượng khách tìm hiểu các sản phẩm tour đi bộ tham quan TP.HCM miễn phí và tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Tây Ninh, miền Tây tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng trước”.
Tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc, để tăng sức hấp dẫn của điểm đến, các đơn vị du lịch cũng xây dựng, làm mới nhiều hoạt động trải nghiệm. Điển hình như Hội Lữ hành Hà Nội tổ chức caravan Tây Bắc khám phá các điểm di tích cách mạng tại Điện Biên, Sơn La; du khách được trải nghiệm “Một giờ làm dân công” tại đèo Pha Đin, sống lại bối cảnh chiến trường xưa... Hay Công ty Flamingo Redtours giới thiệu bộ sản phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” với nhiều tour kết nối Quảng Bình - Quảng Trị với các điểm đến như: Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, biển Cửa Tùng...
Không chỉ các địa phương, nhiều điểm di tích trên cả nước hiện đã xây dựng thành công sản phẩm mới, góp phần hiệu quả vào việc giáo dục lịch sử thông qua du lịch. Ví dụ, di tích Nhà tù Hỏa Lò phát triển sản phẩm tour đêm “Đêm thiêng liêng”, mỗi ngày đón trung bình hơn 2.000 lượt khách trong nước và quốc tế.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức trình diễn áo dài, workshop nghệ thuật và chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân”... Bảo tàng Áo dài (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức các chương trình biểu diễn các loại hình dân ca đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4 - 11/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam
