April 23, 2025 | 11:45 GMT+7

TP.HCM và mục tiêu trở thành điểm đến du lịch thông minh

Tường Bách -

TP.HCM đang từng bước thể hiện quyết tâm của mình, không phải bằng lời tuyên bố mà bằng những sản phẩm cụ thể, những hành động có hệ thống, với công nghệ là chất xúc tác để nâng cao trải nghiệm và năng lực phục vụ...

Ảnh: visithcmc.vn
Ảnh: visithcmc.vn

Đâu đâu cũng có dấu ấn công nghệ. Đó là cảm nhận của rất nhiều du khách khi đến với TP.HCM hiện nay. Từ viện bảo tàng, công viên, các danh lam thắng cảnh… đến mạng xã hội, trang web chính thống của ngành, du khách có thể dễ dàng tiếp cận các ứng dụng hỗ trợ thông minh để tương tác và tìm kiếm các thông tin cần thiết.

Có thể nói, các công nghệ như trí thông minh nhân tạo (AI), 3D, 360 độ, thực tế ảo AR/VR, blockchain… đang đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm chưa từng có, cũng là công cụ để ngành du lịch toàn cầu nói chung và du lịch TP.HCM nói riêng có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình đến với du khách, từ đó kích thích chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú cũng như mời gọi du khách quay trở lại.

TỪNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Trong nhiều năm, ngành du lịch TP.HCM đã không ngừng tìm kiếm hướng đi để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi xu hướng cá nhân hóa và công nghệ hóa trong du lịch ngày càng chiếm ưu thế. Một trong những mô hình đầu tiên và nổi bật là bản đồ du lịch thông minh tương tác 3D/360.

Chỉ với một chiếc điện thoại, du khách có thể đứng ngay trung tâm Sài Gòn mà vẫn khám phá được địa đạo Củ Chi, Bảo tàng TP.HCM, chợ Bến Thành hay Nhà thờ Đức Bà bằng hình ảnh thực tế ảo sống động. Với hơn 450 ảnh và video 360 độ, bản đồ du lịch TP.HCM không chỉ là công cụ quảng bá, mà còn là lời mời gọi đầy hấp dẫn cho du khách chưa từng đặt chân đến thành phố.

TP.HCM và mục tiêu trở thành điểm đến du lịch thông minh - Ảnh 1

Đối với các doanh nghiệp, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị chuyển đổi công nghệ số ngành khách sạn, nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ và giới thiệu đến doanh nghiệp ngành khách sạn các thiết bị thông minh tổng thể phục vụ cho hoạt động lưu trú.

Ngành du lịch thành phố cũng thúc đẩy các hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử... Trên cơ sở đó, góp phần định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp quản trị tốt hơn, khai thác dữ liệu tốt hơn, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Các giải pháp thanh toán số, đặt dịch vụ trực tuyến cũng được triển khai đồng bộ, giúp đem lại cho khách hàng trải nghiệm hài lòng nhất, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Các ứng dụng đang được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú có thể kể đến như: Ứng dụng Photo boot chụp hình 360 độ, hệ thống trung tâm điều khiển thông qua giọng nói, điện thoại thông minh; các phần mềm tích hợp quản lý hệ thống khách sạn, kết hợp bán hàng trên các kênh OTA, cổng thanh toán di động…

Các khách sạn có máy bán hàng tự động, máy check-in tự động. Ảnh: Wink Hotels
Các khách sạn có máy bán hàng tự động, máy check-in tự động. Ảnh: Wink Hotels

Cùng với đó, các bảo tàng, di tích tại TP.HCM cũng đang từng bước chuyển mình thành những địa danh số. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ứng dụng mô hình Smart Museum với công nghệ thực tế ảo, cho phép du khách tham quan từ xa, tương tác với hiện vật, lắng nghe câu chuyện thuyết minh sống động.

Tại các bảo tàng khác như Bảo tàng Thành phố, bảo tàng lịch sử, bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM… những “chiếc hộp kể chuyện” với giọng đọc thuyết minh gần gũi, sinh động cũng đang góp phần giúp du khách hiểu rõ hơn về địa điểm, từng thời kỳ lịch sử.

Theo Sở du lịch Thành phố, Đến nay, 366 tài nguyên du lịch TP.HCM đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka)… để du khách, người dân tìm hiểu, tham khảo.

Theo Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường phát triển hệ thống tích hợp thông tin dịch vụ du lịch thành phố (hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội - Social listening); xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch với bản đồ số du lịch, di sản và sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, hành vi du khách…

GIẢI PHÁP SỐ GIÚP THÚC ĐẨY GIAO THƯƠNG

Tại Hội thảo "Phygital - Xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch", ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định ngành du lịch đang thay đổi, và công nghệ không còn là sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data (Dữ liệu lớn), AI (Trí tuệ nhân tạo), thẻ du lịch số sẽ góp phần kiến tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng thời thúc đẩy đào tạo và hỗ trợ các startup du lịch công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Smart Museum cura Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Smart Museum cura Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Trong tương lai gần, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành Du lịch thông minh (IOC) giai đoạn 1 nhằm nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý và điều hành tổng thể du lịch thông minh (quản lý thông tin sự kiện du lịch; dịch vụ du lịch; tổng đài liên lạc; thanh toán, hỗ trợ hệ sinh thái quản lý du lịch); tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch; kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu trang thông tin du lịch TP.HCM và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố (visithcmc.vn)...­

Đồng thời, tiến hành nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm ngành du lịch TP.HCM giai đoạn 1. Trong đó, tập trung xây dựng và tích hợp hệ thống tư vấn giải đáp thông tin du lịch với cổng thông tin của Sở Du lịch nhằm hỗ trợ, cung cấp các thông tin; thu thập các dữ liệu để phân tích, tổng hợp, truy xuất thông tin nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo dựa trên hệ thống thực tế ảo…

Ngày 22/4/2025, Sở Du lịch TP.HCM và Arobid chính thức ký kết triển khai các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng dụng blockchain và trí tuệ nhân tạo. Trong khuôn khổ hợp tác, Arobid sẽ đảm nhiệm xây dựng, vận hành triển lãm số cho các sự kiện lớn của ngành như Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM (ITE HCMC), Ngày hội Du lịch và các chương trình kích cầu du lịch trong năm.

TP.HCM và mục tiêu trở thành điểm đến du lịch thông minh - Ảnh 2

Ngoài ra, hai bên cùng nghiên cứu, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến chuyên ngành du lịch, góp phần kết nối hiệu quả giữa người lao động và doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch TP.HCM.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, trước đây, các hoạt động xúc tiến thương mại chủ yếu diễn ra dưới hình thức trực tiếp qua hội chợ, hội thảo. Nay ngành kỳ vọng nền tảng số sẽ trở thành cầu nối giao thương thường xuyên giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng cơ hội hợp tác.

“Hiện nay thông qua các chương trình xúc tiến, ngành du lịch đang thúc đẩy doanh nghiệp từng bước làm quen và vận hành hiệu quả trên các nền tảng số. Qua đó, ngành du lịch mong muốn tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp số tiên tiến, thúc đẩy giao thương quốc tế”, ông Hòa cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate