January 02, 2024 | 15:50 GMT+7

Địa phương nào có thu nhập bình quân lao động tăng cao nhất?

Phúc Minh -

Thu nhập bình quân của người lao động vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất, còn tăng thấp nhất thuộc vùng Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng thu nhập khá thấp như: Đồng Nai; TP. HCM...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu về tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng gần 7% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân của người lao động cũng có sự chênh lệch đáng kể theo vùng kinh tế - xã hội.

So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý 4/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất.

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng quý 4/2023 là 8,7 triệu đồng, tăng 3,5% (tương ứng tăng 297.000 đồng) so với quý trước và tăng 8,2% (tương ứng 656.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao như: Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc tại tỉnh Thái Bình là 7,6 triệu đồng, tăng 11,9% (tương ứng tăng 806.000 đồng); tại Hà Nam là 7,4 triệu đồng, tăng 10,7% (tương ứng tăng 709.000 đồng); tại Nam Định là 7,3 triệu đồng, tăng 10,4% (tương ứng tăng 686.000 đồng); tại Hải Phòng là 8,8 triệu đồng, tăng 7,4% (tương ứng tăng 610.000 đồng).

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, Đông Nam Bộ là vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong các vùng của cả nước.

Trong quý 4/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng này là 9 triệu đồng, tăng 2,3% (tương ứng tăng 202.000 đồng) so với quý trước và tăng 3,6% (tương ứng tăng 312.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế - xã hội, quý IV, giai đoạn 2021-2023. Nguồn - Tổng cục Thống kê.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế - xã hội, quý IV, giai đoạn 2021-2023. Nguồn - Tổng cục Thống kê.

Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng khá thấp như: Thu nhập bình quân của lao động tại Đồng Nai là 8,9 triệu đồng, tăng 1,6% (tương ứng tăng 138.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước; tại TP. HCM là 9,4 triệu đồng, tăng 1,9% (tương ứng tăng 175.000 đồng).

Bên cạnh đó, một số tỉnh khác trong vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá trong quý 4 như: tại Bà Rịa Vũng Tàu là 8,7 triệu đồng, tăng 12,8% (tương ứng tăng 982.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022); tại Bình Dương là 9,5 triệu đồng, tăng 6,4% (tương ứng tăng 567.000 đồng).

Xét theo khu vực kinh tế, Tổng cục Thống kê ghi nhận so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 4/2023 tại ba khu vực đều tăng; trong đó, dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất.

Cụ thể, trong quý 4/2023, thu nhập bình quân tháng của lao động tại khu vực dịch vụ là 8,7 triệu đồng, tăng 7,3% (tương ứng tăng 589.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước; nông, lâm, nghiệp và thủy sản là 4,2 triệu đồng, tăng 5,3% (tăng tương ứng 212.000 đồng); công nghiệp và xây dựng là 8,1 triệu đồng, tăng 4,5% (tương ứng tăng 350.000 đồng).

Tốc độ tăng/giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý IV so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2023. Nguồn - Tổng cục Thống kê.
Tốc độ tăng/giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý IV so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2023. Nguồn - Tổng cục Thống kê.

Cũng trong quý 4/2023, thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước như: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; khai khoáng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe gắn máy…

Tính chung năm 2023, lao động làm việc trong một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong ngành khai khoáng là 10,3 triệu đồng, tăng 11,2% (tăng khoảng 1 triệu đồng so với năm trước); ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 6,8 triệu đồng, tăng 8,6% (tăng 540.000 đồng).

Ngành vận tải kho bãi là 9,8 triệu đồng, tăng 8,3% (tăng 749.000 đồng); bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 8,3 triệu đồng, tăng 7,8% (tăng 598.000 đồng); nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,1 triệu đồng, tăng 6,6% (tăng 255.000 đồng).

Cùng với thu nhập bình quân của người lao động có xu hướng tăng, tình trạng nghỉ giãn việc, mất việc cũng giảm nhiệt trong quý cuối năm 2023.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý IV năm 2023 khoảng 77,8 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước và giảm 218,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 72,6% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 45,7%), dệt may (25,1%).

Số lao động bị mất việc trong quý 4/2023 là 85,5 nghìn người, giảm 32,9 nghìn người so với quý trước, và giảm 32,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước với 75,2% và chủ yếu ở TP.HCM (khoảng 28,1 nghìn người).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate