Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương do UBND tỉnh Hải Dương và Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp với hàng trăm điểm cầu trong nước và 31 cầu nước ngoài như Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, bà Lý Dực, Phó giám đốc Sở Thương mại, tỉnh Vân Nam, cho biết: Tỉnh luôn coi trọng việc phát triển thương mại với Việt Nam và đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng trong thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam với sự đóng góp của các ban ngành hai bên.
"Do dịch bệnh gần đây, thương mại Việt Nam - Vân Nam có một số hạn chế. Tuy nhiên, các bộ ngành hai nước đã tăng cường trao đổi và tăng cường biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm khôi phục lưu hàng hóa ra vào các cửa khẩu trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo giao dịch không bị cản trở, làm cho thương mại song phương lội ngược dòng tăng trưởng", bà Lý Dực cho biết.
Theo bà Lý Dực, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Vân Nam đạt tới 35,21 tỷ Nhân dân tệ, tăng trưởng 74%. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Vân Nam - Việt Nam đạt tới 12,24 tỷ Nhân dân tệ, tăng trưởng 40,2%.
"Thương mại Vân Nam - Việt Nam có thể bổ khuyết cho nhau mạnh, việc nhập khẩu trái cây và rau quả nhiệt đới đã làm tăng lượng trồng của cư dân hai bên", đại diện tỉnh Vân Nam nhấn mạnh.
"Năm ngoái, chúng tôi và phía Việt Nam đã tổ chức hội nghị xúc tiến bán vải thiểu tại tỉnh Bắc Giang và hôm nay là sự kiện xúc tiến bán vải thiều tại tỉnh Hải Dương", bà Lý Dực thông tin, đồng thời khẳng định dịch bệnh không thể cản trở trao đổi song phương và việc giao lưu trực tuyến đã trở thành một phương thức giao tiếp quan trọng trong thời kỳ đặc biệt.
"Hôm nay chúng tôi đã tổ chức cho 38 người mua tại tỉnh chúng tôi kết nối với các công ty Việt Nam. Hy vọng có thể cùng nhau thúc đẩy hợp tác sản xuất và tiêu thụ giữa các công ty", đại diện tỉnh Vân Nam thông tin.
Bà cũng khẳng định mặc dù tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam tăng trưởng chậm trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng về kinh tế, xã hội của hai nước và quan hệ hữu nghị song phương chặt chẽ, quan hệ thương mại hai bên sẽ tiếp tục phát triển.
Bà Lý Dực cũng thừa nhận quan hệ giữa Việt Nam với Vân Nam vẫn còn khoảng cách nhất định, do đó tỉnh sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác thương mại song phương từ các tỉnh anh em như Quảng Tây, Trùng Khánh, Chiết Giang.
"Tôi cũng mong muốn tiếp tục cùng Việt Nam thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần khu vực và tạo môi trường tốt hơn cho thương mại Trung - Việt. Tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực chung của chúng ta, thương mại song phương sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa", đại diện tỉnh Vân Nam khẳng định.
Vân Nam là tỉnh nằm ở phía tây Trung Quốc, giáp với tỉnh Lào Cai và Hà Giang của Việt Nam với dân số khoảng 49 triệu người. Nhiều năm, Vân Nam là một trong những thị trường tiêu thụ lượng vải thiều lớn của Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.
Trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 18-20/5, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương (Sở Công Thương Hải Dương) tổ chức chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp cung ứng vải và nông sản Hải Dương với nhiều đầu mối nhập khẩu tiềm năng trên thế giới, bao gồm cả những đầu mối ở các thị trường xuất khẩu vải thiều truyền thống của Hải Dương và những thị trường tiềm năng mới.
Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, trong đó vải sớm khoảng 30% diện tích, vải chính vụ 70% diện tích. Dự kiến sản lượng vải quả 55.000 tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020.
Riêng huyện Thanh Hà, thủ phủ vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.