December 26, 2024 | 15:57 GMT+7

Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2025

Thu Hằng -

Năm 2025, Bộ Y tế nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người vẫn có nguy cơ xuất hiện...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 26/12, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 để hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024.

NHIỀU BỆNH TRUYỀN NHIỄM TĂNG CAO

Thông tin tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm, cho biết năm 2024 vẫn chứng kiến những thách thức lớn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Các đợt bùng phát dịch bệnh như mpox (đậu mùa khỉ), dịch tả, bại liệt, marburg tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực, nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới, dẫn đến gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi và sự bùng phát dịch sởi tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong năm 2024 cơ bản được kiểm soát. Đáng chú ý, không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như Ebola, MERS-CoV, hay cúm A/H7N9 xâm nhập.

Tuy nhiên, một số bệnh như sởi, ho gà, dại, sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Theo thống kê, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ghi nhận 141.000 ca mắc, giảm 16,7% so với năm 2023; 28 người tử vong, giảm 17 ca so với năm 2023. Trong đó, Hải Phòng có số ca mắc cao nhất là hơn 23.000 ca mắc, TP. HCM ghi nhận hơn 14.000 ca mắc.

Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm thông tin về tình hình dịch bệnh năm 2024. Ảnh: Trần Minh.
Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm thông tin về tình hình dịch bệnh năm 2024. Ảnh: Trần Minh.

Tay chân miệng ghi nhận hơn 76.000 ca mắc, giảm 55,8% so với năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có số mắc cao là TP.HCM (17.882), Tiền Giang (5.467), Đồng Nai (4.968), An Giang (4.187), Đồng Tháp (3.717).

Về bệnh cúm mùa, năm 2024 ghi nhận 287.548 trường hợp, 8 ca tử vong. So với năm 2023, số mắc giảm 18,6%, nhưng số tử vong tăng 5 ca. Một số tỉnh có số mắc cao như: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (12.807), Sơn La (10.162).

Đáng chú ý, bệnh sởi có diễn biến phức tạp. Trong đó, một số địa phương có số mắc cao là Đồng Nai (6.360), TP. HCM (4.758), Bình Dương (4.745), Cà Mau (2.405), ... Cả nước ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, tăng 13 lần so với năm 2023.

Theo ông Tâm, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng một số bệnh dịch bao gồm: Tác động từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và lụt bão; đô thị hóa, di dân, thói quen sinh hoạt cá nhân, và vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo.

Bên cạnh đó là gián đoạn cung ứng vaccine toàn cầu sau đại dịch Covid-19, cùng với các khó khăn về cơ chế mua sắm, đấu thầu và đặt hàng vaccine kéo dài.

THÁCH THỨC ỨNG PHÓ VỚI CÁC LOẠI DỊCH BỆNH TRONG NĂM 2025

Bước sang năm 2025, Bộ Y tế nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu, với các yếu tố nguy cơ luôn hiện hữu do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng, và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế.

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non, nên nguy cơ gia tăng số mắc. 

Đặc biệt, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc, khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết. Trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, do đó có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện. 

Ngoài ra, bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp; người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Mặt khác, bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người, như mpox tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi…

Trong bối cảnh đó, năm 2025, Bộ Y tế xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung vào nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Ảnh: Trần Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Ảnh: Trần Minh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã cho thấy những bài học quý giá về sự cần thiết của hệ thống y tế vững mạnh. Dịch bệnh không chỉ làm đảo lộn đời sống mà còn gây áp lực lớn lên kinh tế, an sinh xã hội.

Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12), Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Đồng thời, Bộ đề nghị các cấp, ngành phối hợp hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huy động sự tham gia của toàn xã hội để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Với các địa phương, Bộ Y tế đề nghị sớm triển khai kế hoạch phòng chống dịch năm 2025; xây dựng các phương án ứng phó phù hợp và huy động đầy đủ nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

 

Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27, lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này do Việt Nam đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hàng năm.

Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa ra thông điệp: “Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate