March 04, 2019 | 11:59 GMT+7

Dịch hoành hành, Bộ Nông nghiệp đề xuất hỗ trợ 80% giá lợn bị tiêu huỷ

Bạch Huệ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cơ chế hỗ trợ chỉ 27.000 đồng/kg, thủ tục phức tạp và chậm khiến dịch bệnh không nhanh chóng được dập tắt

Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại Việt Nam.
Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo tình hình và công tác phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. 

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch này: Trung Quốc, Nga, Mông Cổ,…

Tại Việt Nam, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Cục Thú y đã giải trình tự gien của virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Dù có nhiều nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan dập dịch, song Bộ Nông nghiệp thừa nhận, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng /kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường. Nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg, thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng, thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn.

Hơn nữa, thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán cháy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.

Do đó, Bộ Nông nghiệp đề xuất với Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi; kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương.

Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

"Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; đặc biệt là các ngành Công an, Quân đội, Ban chỉ đạo 389, cơ quan hải quan các cấp,... siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn", Bộ Nông nghiệp đề xuất lên Thủ tướng. 

Bộ này cũng cho rằng các cơ quan liên quan cần sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan diện rộng, tiêu hủy lợn với số lượng lớn...

Bộ Nông nghiệp đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện, phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương; xây dựng và phê duyệt kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật hằng năm để bảo đảm có đầy đủ nguồn lực (kinh phí, nhân lực, hóa chất,...) cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả...

Theo đó, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp xây dựng các giải pháp về kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để tổ chức triển khai phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác ở động vật.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate