Tháng 10 vừa qua, tờ New York Times có bài viết đáng chú ý về hành trình 36 giờ du lịch tại Hà Nội. Tác giả Chris Humphrey cho rằng Hà Nội là mảnh đất giao thoa quyến rũ. Những ngôi chùa cổ đứng cạnh những "ngôi nhà ống" chật hẹp, những khu tập thể cũ và những tòa nhà cao tầng mới mọc lên.
Trong bài viết, tác giả này nhắc tới Hà Nội với một tên gọi khác, đó là "ngôi làng lớn nhất thế giới".
Nhìn nhận một cách khách quan, không tồ hồng, thì rõ ràng Hà Nội còn rất nhiều yếu tố "làng xã" gây cản trở cho việc phát triển du lịch lên một đẳng cấp cao hơn, chuyên nghiệp hơn.
Điểm trừ lớn nhất của du lịch Hà Nội đó là tình trạng giao thông lộn xộn, thậm chí nguy hiểm. Nhiều du khách nước ngoài cho biết rất hoảng sợ nếu phải đi bộ qua đường tại đây. Mặc dù nhiều tuyến phố có đầy đủ vạch kẻ đường, đèn giao thông nhưng các phương tiện ít khi giảm tốc nhường đường cho người đi bộ, du khách qua đường.
Chỉ với 1 tour ngắn từ bờ Hồ tới một số tuyến phố để chụp ảnh check in với mùa thu như Phan Đình Phùng, phố cổ… đã thấy ngộp thở bởi tình trạng giao thông quá bức bối, lộn xộn, ùn tắc. Mật độ phương tiện quá cao khiến bầu không khí thường xuyên ngột ngạt, bí bách.
Ngoài ra, tình trạng quán xá lấn chiếm vỉa hè, du khách vừa ăn vừa nhấp nhổm “chạy công an” cũng là nét đặc trưng của không ít tuyến phố du lịch ngay tại vũng lõi của Hà Nội. Gọi bằng uyển ngữ, thì đây là nét văn hóa đường phố của Hà Nội. Nhưng nếu thẳng thắn thì đây là những tuyến phố khá nhếch nhác, lộn xộn, không phù hợp với cách vận hành, phát triển của một thành phố trọng điểm về du lịch.
Một sự lộn xộn, bát nháo điển hình nhất cần nhắc tới là tuyến phố đường tàu Hà Nội. Tuyến phố này trở nên nổi tiếng với rất đông du khách quốc tế, hàng trăm người tới đây mỗi ngày chỉ để chụp ảnh checkin khi tàu hỏa lướt qua.
Hà Nội rất không muốn phát triển, quảng bá địa điểm du lịch nguy hiểm, không xứng tầm này, nhưng rất nhiều năm qua, chính quyền thành phố đã tỏ rõ sự loay hoay, đôi khi bất lực bởi cấm cứ cấm, quán vẫn mở, du khách vẫn tới. Sau vài hôm chăng dây ngăn cản, mọi sự đâu lại vào đó.
Đương nhiên, nhắc tới Hà Nội cũng không thể quên nhắc tới phố đi bộ bờ Hồ và một số tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân. Với những người thực sự yêu Hà Nội, thì đây là không gian tuyệt vời, đậm chất Hà Nội nhất. Nhưng tại không gian này cũng có quá nhiều vấn đề cần phải được nâng cấp để không gây ra những điều phiền toái cho du khách.
Người viết bài này đã nhiều lần lang thang ở Bờ Hồ ở nhiều khoảng thời gian khác nhau. Ấn tượng xấu nhất đó là việc quản lý tại đây rất lỏng lẻo. Một số khu phố bị biến thành phố nơi cho thuê ô tô điện trẻ em. Tình trạng này báo chí, mạng xã hội đã phản ánh nhiều lần nhưng chỉ sau vài ngày bị dẹp bỏ, xe ô tô điện, mô tô điện trẻ em lại tràn ra phố.
Ngoài ra, nạn bán hàng rong, "chặt chém" du khách đã nhiều lần xuất hiện tại các tuyến phố du lịch nổi tiếng của Hà Nội.
Tại khu chợ đêm đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân… thật khó để khẳng định đây là đặc trưng, niềm tự hào của Hà Nội bởi lẽ rất nhiều hàng hóa là hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có qhóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Một số chuyên gia làm trong ngành du lịch cho rằng, ngoài sự lộn xộn ở nhiều tuyến phố, Hà Nội cũng thiếu sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, nên tỷ lệ lớn khách quốc tế chỉ coi Hà Nội là điểm trung chuyển để đến khám phá Sapa, Hạ Long, Hà Giang hay Ninh Bình.
Theo thống kê, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách (gồm 4 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa), tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019).
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với Kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).
Dù Hà Nội liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nhưng việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.
Theo bà Phạm Diễm Hảo, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, Hà Nội đang thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, khác biệt để phát triển và lan tỏa được thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô đến các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, cơ sở, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng vật chất kỹ thuật phụ trợ, dịch vụ du lịch tại nhiều điểm di tích chưa được đầu tư thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế. Chất lượng một số điểm đến du lịch còn có nhiều hạn chế về vệ sinh môi trường, tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên... Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Ở gón nhìn rộng hơn, năm 2024, nhiều chỉ số du lịch của Việt Nam đang bị đánh giá tụt hạng so với nhiều nước. Theo công bố hồi tháng 5 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam hiện đứng thứ 59/119 với điểm trung bình 3,96/7 trong bảng xếp hạng. Nếu so với thống kê của hai năm trước, đây là sự tụt hạng đáng kể khi Việt Nam đã tụt 7 bậc.
Điểm yếu của du lịch Việt Nam là hạ tầng dịch vụ. Với chỉ số này, du lịch Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 89/119 trên toàn thế giới. Đây cũng là số điểm thấp nhất của Việt Nam trong 5 nhóm chỉ số của Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành.