May 16, 2025 | 08:05 GMT+7

Điện hạt nhân được coi là năng lượng xanh, điện nền

Hằng Anh -

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, điện hạt nhân được coi là điện xanh và điện nền. Hiện nay điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, đạt trung hòa carbon và tái định vị công nghệ quốc gia...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo luận dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu khẳng định việc cần phải sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm thể hiện tính chiến lược trong định hướng phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an toàn, năng lượng và phù hợp với bối cảnh của đất nước ta trong tình hình mới.

XÁC ĐỊNH THỨ TỰ ƯU TIÊN THEO LĨNH VỰC ỨNG DỤNG

Ninh Thuận là địa phương đầu tiên cả nước được lựa chọn xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân trong thời gian tới. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 189/2025/QH15 ngày 19/02/2025 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Chamalea Thị Thủy, đoàn Ninh Thuận cho rằng trong thời gian tới, có thể sẽ có nhiều Nhà máy Điện hạt nhân khác được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước nên các địa phương khác cũng có thể được lựa chọn.

Nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa vào dự thảo Luật lần này, sẽ tạo thành hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai.

Đại biểu Chamalea Thị Thủy, đoàn Ninh Thuận.
Đại biểu Chamalea Thị Thủy, đoàn Ninh Thuận.

Để phát triển điện hạt nhân, việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất cần thiết. Đại biểu Chamalea Thị Thủy cho rằng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể hiện chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quy định về phát triển nguồn nhân lực.

Dẫn quy định: “Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp đặc thù. Người tham gia, thực hiện phát triển điện hạt nhân thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được hưởng phụ cấp lương,” song đại biểu cho rằng cần thêm các cơ chế để thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Cụ thể hơn, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chính sách về phát triển nguồn nhân lực tại Luật này phải áp dụng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tương đồng, phù hợp với nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định tại dự thảo Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi) đang trình tại kỳ họp.

“Việc đề ra chính sách chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào trong Luật này sẽ là cơ sở pháp lý, kim chỉ nam cho việc hoạch định, xây dựng các chính sách đãi ngộ có liên quan trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả hơn để phát triển năng lượng nguyên tử,” đại biểu Thủy nêu kiến nghị.

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh.

Góp ý dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho biết tại khoản 1 Điều 4 dự thảo nêu định hướng đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nhưng chưa xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên đầu tư công hay chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Góp ý hoàn thiện dự án luật, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung chính sách, xác định thứ tự ưu tiên theo lĩnh vực ứng dụng. Theo đó, Nhà nước cần ưu tiên phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao về mức độ phức tạp, công nghệ và mức độ rủi ro.

Thứ nhất, lĩnh vực y tế, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chẩn đoán hình ảnh xạ trị ung thư, kiểm tra chất lượng thuốc phóng xạ là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân đang có nhu cầu rất lớn và dễ tiếp cận công nghệ.

Thứ hai, lĩnh vực công nghiệp ứng dụng trong chiếu xạ khử trùng, kiểm tra mối hàn bằng phóng xạ, đo mật độ độ dày có tính thương mại cao giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, phát triển các trung tâm nghiên cứu đồng vị, phòng thí nghiệm, nơi xông để đào tạo nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển công nghệ lõi.

Thứ tư, lĩnh vực điện hạt nhân là mục tiêu dài hạn, có tính chất chiến lược về năng lượng nhưng cần triển khai từng bước đảm bảo đủ điều kiện về công nghệ, nhân lực và hệ thống pháp lý.

Về điện hạt nhân, ông Bình nhấn mạnh đây là mục tiêu dài hạn, có tính chất chiến lược, nhưng cần triển khai từng bước, đảm bảo đủ điều kiện về nhân lực và tính pháp lý.

VIỆT NAM TIẾN TỚI LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN

Giải trình, làm rõ thêm một số nhóm vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, điện hạt nhân được coi là điện xanh và điện nền. Theo xu hướng chung của quốc tế thì điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 10-30% tổng nguồn cung cấp năng lượng quốc gia.

Sau thời kỳ thoái trào cách đây khoảng 10- 15 năm, hiện nay điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, đạt trung hòa carbon và tái định vị công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng cho biết công nghệ điện hạt nhân hiện nay là thế hệ 3+ và đặc biệt là thế hệ thứ tư có độ an toàn rất cao. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của dự thảo luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn an ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế- xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế- xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân

Thông qua dự án Luật này, "Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế- xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và ứng dụng bức xạ; phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa giai đoạn đầu tiên thì ưu tiên năng lực chế tạo, trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn và sau đó là tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, dự thảo Luật cho phép sử dụng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh như áp dụng chỉ định thầu; sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và các khoản chi cho thẩm định và đào tạo.

Đồng thời, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân toàn bộ vòng đời qua nhiều giai đoạn của nhà máy hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi đến các giai đoạn sau cùng là đóng cửa, sau đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Các giai đoạn đều có thẩm định về an toàn bức xạ hạt nhân đủ điều kiện để làm tiếp các công đoạn sau.

Dự thảo Luật cũng thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy; xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố, xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân.

Bộ trưởng cho biết Nhà nước sẽ có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sinh, thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để thực hiện xã hội hóa các ứng dụng một cách phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ người dân, phát triển kinh tế- xã hội.

Cùng với đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Nhà nước cũng sẽ có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, có chính sách ưu đãi trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng, nguyên tử.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate