Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan kỳ vĩ, đa dạng, từ hệ thống hang động nổi tiếng thế giới như Sơn Đoòng, hang Én, đến dòng sông thơ mộng, cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú.
Không chỉ vậy, nơi đây còn sở hữu nhiều bãi biển đẹp, ẩm thực đặc trưng cùng những di sản văn hóa, lịch sử giá trị, gắn liền với hai cuộc kháng chiến và quá trình giao thoa văn hóa lâu đời. Những yếu tố này chính là nền tảng quan trọng để tỉnh hình thành các sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo và khác biệt.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TỪ LỢI THẾ HỆ THỐNG SẢN PHẨM OCOP
Bên cạnh lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Quảng Bình còn là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như chế biến thủy hải sản ở Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), làng nón lá Thổ Ngọa, làng rèn đúc Hòa Ninh (thị xã Ba Đồn)…
Các sản phẩm làng nghề không chỉ mang lại thu nhập mà còn thể hiện tinh hoa văn hóa vùng miền, là cơ sở quan trọng để phát triển mô hình làng văn hóa - du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Một trong những yếu tố then chốt giúp du lịch nông thôn Quảng Bình định hình và phát triển là hệ thống sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn, trong đó có 28 sản phẩm đạt 4 sao và 140 sản phẩm đạt 3 sao.
Việc gắn kết sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch không chỉ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương mà còn nâng cao trải nghiệm cho du khách, giúp họ hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, sản xuất nông nghiệp bản địa.

Thực tế cho thấy, các hoạt động như tham quan, trải nghiệm tại làng nghề, sống trong nhà dân (homestay), thưởng thức ẩm thực truyền thống và mua sắm sản phẩm OCOP đang trở thành điểm nhấn của du lịch nông thôn Quảng Bình.
Hiện toàn tỉnh này có hơn 40 khu, điểm và sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó nhiều điểm nằm ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như khám phá văn hóa người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; tìm hiểu đời sống người Rục ở huyện Minh Hóa…
QUY HOẠCH ĐỒNG BỘ, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH
Để tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chương trình và chính sách cụ thể. Chương trình hành động số 01/CTr-TU ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn làng nghề, văn hóa tộc người và thúc đẩy người dân tham gia kinh doanh du lịch tại các điểm đến.
Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ tập trung phát triển các cụm không gian du lịch gồm: Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử – nghỉ dưỡng phía Nam; khu vực phía Bắc và Vũng Chùa – Đảo Yến. Đây đều là những vùng có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn bền vững nếu được quy hoạch và đầu tư phù hợp.

Theo ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, du lịch nông thôn cộng đồng ở tỉnh này đang từng bước phát triển với nhiều mô hình đa dạng. Các loại hình như trải nghiệm thiên nhiên, sống cùng người dân, khám phá văn hóa và ẩm thực nông thôn đang thu hút sự quan tâm của du khách và mang lại giá trị kinh tế rõ rệt cho người dân địa phương.
Điển hình như tại Khu du lịch Làng Đưng thôn Thuận Vinh, xã Thuận Đức chỉ cách trung tâm Đồng Hới chưa đầy 15 phút di chuyển tái hiện sinh động khung cảnh nông thôn Bắc Trung bộ với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc. Giữa nhịp sống hiện đại, nơi đây như một “cỗ máy thời gian” đưa du khách trở về ký ức tuổi thơ, về những ngày tháng thanh bình trên mảnh đất Quảng Bình. Bước chân vào Làng Đưng, du khách dễ dàng cảm nhận không gian thuần Việt với cầu tre uốn lượn, đường làng quanh co rợp bóng tre xanh, những mái nhà tranh đơn sơ nép mình giữa thiên nhiên.
Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng trở thành chìa khóa xây dựng một ngành du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Điểm nổi bật của khu du lịch là hồ Bàu Đưng với mặt nước phẳng lặng, trong xanh như gương, phản chiếu mây trời và cảnh vật xung quanh. Những cây cầu tre bắc ngang mặt hồ tạo nên khung cảnh yên bình, gợi nhớ đến hình ảnh phiên chợ quê hay buổi chiều thả diều trong ký ức tuổi thơ.
Du khách Lê Tuyết Chinh, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Không gian ở đây được tái hiện một cách mộc mạc, chân thực – từ ngôi nhà tranh vách đất đến chiếc ao nhỏ, món ăn quê giản dị. Đặt chân đến đây, tôi như được trở về những ngày thơ bé, chạy chân trần trên con đường làng và cảm nhận hương lúa mới lan tỏa trong không gian”.
Tuy nhiên, du lịch nông thôn tại Quảng Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việc phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy chuẩn; chất lượng sản phẩm và dịch vụ chưa cao; sự hỗ trợ cho cộng đồng dân cư còn hạn chế; liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch chưa được đẩy mạnh.
Vì vậy, theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, yếu tố không thể thiếu chính là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
"Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng trở thành chìa khóa xây dựng một ngành du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan", ông Lâm khẳng định.
Để làm được điều này, các cơ quan chức năng địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, phát triển các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương...