Tuy nhiên những năm qua, do chính sách giá mua điện hỗ trợ (FIT), nhiều tổ chức cá nhân đã “lợi dụng” giá FIT này, ồ ạt làm điện mặt trời, dẫn đến các dự án điện mặt trời phát triển "quá nóng", hệ lụy là lưới điện và phụ tải không đáp ứng được, gây nghẽn mạch ở nhiều đường dây truyền tải. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn đề xuất nhiều dự án điện mặt trời mới, nhưng Bộ Công thương chưa chấp nhận, chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Phải chăng, Bộ Công Thương đang “bỏ rơi” điện mặt trời, thưa ông?
Nói “bỏ rơi” điện mặt trời là không đúng. Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Trong đó, quy mô điện mặt trời đến năm 2030 là 20.591 MW và đến năm 2050 là 189.000 MW, sản xuất từ 252 – 291 tỷ kWh điện mỗi năm. Như vậy, mục tiêu định hướng đến năm 2050, điện mặt trời sẽ là loại hình điện lớn nhất, chiếm hơn 38,5% trong tổng công suất các nguồn điện ở nước ta.
Chính phủ cũng cho phép và khuyến khích loại hình điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”. Để tăng khả năng tự cung cấp điện cho các hộ gia đình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% các tòa nhà công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời. Mục tiêu đến năm 2050 nguồn điện này sẽ đạt 39.500 MW.
Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Báo cáo về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà. Tại Báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất ba mô hình phát triển nguồn điện này. Một là, hình thức điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, áp dụng cho nhà ở, cơ quan công sở, trụ sở doanh nghiệp. Hai là, sẽ bổ sung thêm đối tượng là điện mặt trời lắp đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, nhà xưởng. Ba là, điện mặt trời không liên kết với lưới điện quốc gia, được Bộ Công Thương đề xuất nên ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, do lo ngại điện mặt trời mái nhà tiếp tục phát triển nóng, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lĩnh vực này theo trình tự rút gọn với quan điểm dù điện mặt trời tự sử dụng, không liên kết với lưới điện quốc gia thì Nhà nước vẫn cần phải quản lý. Trong đó, sẽ tạo cơ chế cho phép điện mặt trời được liên kết với hệ thống điện (đấu nối sau công tơ) không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối với ngành điện.
Ông nhận định thế nào thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với điện mặt trời hiện nay?
Đến nay, nhờ công nghệ phát triển nhanh đã giúp giá quy dẫn điện mặt trời trên thế giới giảm 89% trong 10 năm vừa qua. Hiện nay, điện mặt trời đã trở thành nguồn năng lượng sạch và có giá rẻ nhất trong các loại nguồn phát điện nên cần được ưu tiên phát triển. Đó cũng chính là lý do năm 2023, Bộ Công Thương ban hành quyết định khung giá mua điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất chỉ còn 1.184,90 đồng/kWh, thấp hơn mức giá 1.644 đồng/kWh của thời điểm trước ngày 31/12/2020.
"Hiện nay và trong tương lai, việc phát triển điện mặt trời đang rất thuận lợi do sự cạnh tranh về giá thành so với các loại hình điện khác. Hơn nữa, ngành điện đang có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá và nhiên liệu hóa thạch sang nguồn điện năng sạch, cùng các nguồn năng lượng phát thải thấp khác".
Tuy nhiên, phát triển điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chính sách hỗ trợ ban đầu, bao gồm cả hỗ trợ giá; sự bất ổn định, phụ thuộc vào thời tiết khí hậu, gây ra chi phí hệ thống cao; chi phí đầu tư ban đầu cao; nguồn phân tán phụ thuộc vào địa điểm và tài nguyên tại chỗ; thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp do lưới truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu; vấn đề lưu trữ điện cũng đang còn sơ khai; tác động môi trường (bao gồm: khả năng tái chế và tái sử dụng; sử dụng đất nhiều và không hiệu quả).
Do đó, để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời, cần có chính sách hỗ trợ ban đầu, bao gồm hỗ trợ giá; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tín dụng lãi suất thấp, tiếp cận đất đai, mặt bằng và các cơ chế ưu đãi khác.
Ông có kiến nghị gì về chính sách đối với phát triển điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung?
Luật Điện lực (sửa đổi, bổ sung) năm 2022, tuy đã nhấn mạnh các khía cạnh cấp điện ổn định, an toàn, hiệu quả về chi phí, cho phép các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền tải và tự vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư, nhưng đến nay chưa có nghị định và hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, sự phát triển của ngành năng lượng đang đặt ra vấn đề mới là quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán.
Luật Điện lực 2022 đã có những sửa đổi, cho phép các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền; nhà đầu tư tự vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghị định và quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, nên Luật đã sửa 1,5 năm nay nhưng vẫn thiếu điều kiện để triển khai. Đây là một trong những điểm nghẽn pháp lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, đặc biệt các cơ chế chính sách cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện riêng và vận hành hệ thống do họ tự đầu tư.
Nếu không tạo ra được một thị trường sản xuất năng lượng cạnh tranh và minh bạch, sẽ rất khó để thực hiện chuyển dịch năng lượng trên quy mô vùng lãnh thổ hay quốc gia. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật Năng lượng tái tạo, chi tiết hóa vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, cần cụ thể hóa trong Luật Năng lượng tái tạo các cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và ổn định trong thời gian dài để đảm bảo cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững và hợp lý.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2023 phát hành ngày 23-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam