November 25, 2021 | 18:57 GMT+7

Điện sinh khối phát triển ì ạch do giá FIT quá thấp

Chu Khôi -

Giá mua điện sinh khối bất hợp lý, khiến thị trường tài chính không có đòn bẩy và điện sinh khối sẽ không đủ hấp dẫn để các Ngân hàng cho vay rót vốn đầu tư…

Hội thảo do Dự án BEM của GIZ tổ chưc chiều 25/11.
Hội thảo do Dự án BEM của GIZ tổ chưc chiều 25/11.

Hội thảo “Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra chiều 25/11/2021 đã nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua phát triển thị trường sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM), do GIZ phối hợp cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tài trợ.

CHIẾM 0,14% TRONG TỔNG LƯỢNG ĐIỆN LÊN LƯỚI

Ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án BEM, cho biết Dự án BEM được triển khai tại Việt Nam từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023, hướng đến cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt trong cả nước.

Dự án BEM tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính.

Một là, hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách về lập quy hoạch và cấp phép thực hiện các dự án năng lượng sinh khối, hỗ trợ xây dựng các chiến lược quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sinh khối ở địa phương.

Hai là, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tư nhân để triển khai việc thiết kế và phát triển các dự án đầu tư năng lượng sinh khối. Cùng với đó, nâng cao năng lực các tổ chức tài chính để huy động cấp vốn thực hiện các dự án đầu tư năng lượng sinh khối.

Ba là, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác công nghệ cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp quốc tế, viện nghiên cứu và các trường đại học về sử dụng tài nguyên sinh khối.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối nhờ các nguồn tài nguyên sinh khối sẵn có. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên sinh khối này vẫn còn hạn chế.

Mặc dù Chính phủ đã dành nhiểu chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án điện sinh khối, nhưng cho đến nay tổng công suất các nhà máy điện sinh khối vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng công suất điện tại Việt Nam.

Điện sinh khối phát triển ì ạch do giá FIT quá thấp - Ảnh 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết điện sinh khối ghi nhận trên hệ thống điều độ ngành điện hiện chỉ có 3 nhà máy: Nhà máy đường KCP Phú Yên, Nhà máy đường SK An khê, Nhà máy đường Bourbon.

Ba nhà máy này có tổng công suất điện 175 MW, tổng sản lượng điện bán lên lưới trong năm 2020 hơn 346 triệu kWh, chỉ chiếm 0,14% trong tổng lượng điện cả nước. Trong khi đó, khảo sát của Viện Năng lượng, hiện cả nước có 10 nhà máy điện sinh khối, với tổng công suất 522MW, tuy nhiên phần lớn các nhà máy điện này chỉ phục vụ điện nội bộ, chưa bán lên lưới điện quốc gia.

Tiềm năng phát triển điện sinh khối
Tiềm năng phát triển điện sinh khối

CẦN 1 TỶ USD ĐẦU TƯ CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN SINH KHỐI

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trước kia giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho  điện sinh khối được Nhà nước đưa ra chỉ có 5,8 UScent/kWh, sau đó nâng lên 7,03 UScent/kWh cho điện đồng phát và 8,47 UScent/kWh cho điện sinh khối không đồng phát.

Mặc dù giá FIT đã tăng lên, nhưng phát triển điện sinh khối gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, khả năng cung cấp nhiên liệu không ổn định và thiếu tính bền vững, giá nguyên liệu thường xuyên thay đổi theo mùa vụ. Tiếp đến, trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm phát triển điện sinh khối, thiếu kỹ sư và công nhân lành nghề để xây dựng và vận hành các dự án điện sinh khối. Nhà nước cũng chưa quy hoạch vùng nguyên nhiên liệu cho phát triển các dự án điện sinh khối.

Ông Matthias Eichelbronner chuyên gia quốc tế của dự án BEM tại Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế rất thiết thực cho phát triển năng lượng sinh khối.

Theo đó, điện sinh khối tại khu vực Đông Nam Á chủ yếu là điện bã mía. Sản xuất đường ở Thái Lan chi phí thấp hơn so với Việt Nam, bởi vì họ đã sử dụng bã mía để sản xuất điện, nhờ đó giảm được chi phí năng lượng.

Bình quân sản xuất mỗi tấn đường, sẽ có 31 tấn bã mía, sẽ nâng cao lợi nhuận cho nhà máy mía đường, từ đó hạ được giá bán đường để cạnh tranh. Brazil là nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới cũng thúc đẩy điện sinh khối và có cơ chế phát điện đối với ngành mía đường.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện sinh khối tại Đức, ông Matthias cho biết tổng công suất điện sinh khối tại Đức lên tới 50 GW, trong đó điện biogas đạt 10 GW; điện từ sinh khối dạng rắn như gỗ, công xuất đã lên tới gần 1,7 GW.  

Đức có cơ chế giá FIT cho điện sinh khối rất cao, hiện nay khung đấu giá được nước này đưa ra vào khoảng 15 UScent/kWh. Thực tế, sau đấu giá, thì giá mua điện sinh khối đạt bình quân 19 US cent/kWh, có những loại điện sinh khối được mua tới 21 cent/kWh như điện phát từ cỏ, rơm rạ.

Điện sinh khối của Việt Nam (cột màu đỏ) so với các nước trên thế giới
Điện sinh khối của Việt Nam (cột màu đỏ) so với các nước trên thế giới

“Sẽ thật phi lý khi Việt Nam mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn dăm gỗ, và là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới, thế nhưng lại không sử dụng những nhiên liệu này để sản xuất điện", ông Matthias tiếc nuối.

"Điện sinh khối ở Việt Nam phát triển ì ạch, cần xem hiệu quả về mặt kỹ thuật và chi phí. Chúng tôi đã nghiên cứu khảo sát tại 5 nhà máy đường tại Việt Nam, thấy rằng lượng hơi sử dụng cao, nhưng hiệu năng đốt lò vẫn còn thấp. Trong khi các nhà máy sản xuất đường ở Brazil sử dụng lượng hơi và điện ít hơn so với các nhà máy đường ở Việt Nam”, ông Matthias thông tin. 

 
"Việt Nam đang cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các nhà máy điện sinh khối, chuyển đổi công nghệ mới, không chỉ tại các nhà máy đường, mà còn có thể phát triển điện sinh khối trong các ngành gỗ, ngành giấy".
Ông Matthias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế của dự án BEM tại Việt Nam 

Theo ông Matthias, giá FIT đối với điện bã mía tại Việt Nam với 2 mức 7,03 UScent/kWh và 8,47 UScent/kWh là quá thấp. Chính vì giá thấp khiến nhiều nhà máy đầu tư công nghệ Trung Quốc. “Phải hiểu công nghệ Trung Quốc tuy rẻ, nhưng giá thành sản xuất điện lại rất cao, độ bền không lâu. Thành ra, sử dụng công nghệ thấp giá rẻ, thì lại thành đắt”, ông Matthias nhấn mạnh.

Ông Matthias khuyến nghị cần có cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường tài chính cho điện sinh khối. Cũng vì giá FIT quá thấp, đầu tư nhiều rủi ro, khiến các ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư xây dựng các nhà máy điện sinh khối.

Cũng tại hội thảo, dự án BEM giới thiệu phiên bản cập nhật của cuốn “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam”. Cuốn tài liệu, được Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương cập nhật và hoàn thiện, gồm các thông tin cụ thể về quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư trong phát triển dự án sản xuất điện nối lưới từ sinh khối tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate