Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm phối hợp với Vụ Năng lượng, Cục Điều tiết điện lực làm rõ các vấn đề liên quan đến khả năng cung cấp điện để dư luận hiểu rõ thực chất vấn đề và chia sẻ khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, về vấn đề này.
Thưa ông, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc thiếu điện, cắt điện đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ, đồng thời cho rằng trách nhiệm này là của EVN?
Với nhu cầu phụ tải liên tục ở mức cao (có ngày lên tới 235 triệu kWh), tình trạng thiếu điện từ đầu tháng 7 đến nay đã trở nên gay gắt hơn nhiều so với tháng 6: khoảng 2.000 - 2.500 MW so với mức 1.000 - 1.500 MW.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hầu hết các dự án nguồn nằm trong kế hoạch đưa vào vận hành đầu năm 2008 đều bị chậm tiến độ. Một số nguồn điện quan trọng trong và ngoài EVN như nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 (công suất 300 MW), tua bin khí (360 MW) của nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 gặp sự cố phải sửa chữa trong thời gian dài (riêng Uông Bí mở rộng 1 ít nhất phải đến tháng 11).
Các nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 (750 MW), Cà Mau 2 (750 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW) đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm nên phát công suất thấp; trong khi nhiều hồ thuỷ điện lớn ở phía Nam như Ialy, Hàm Thuận, Trị An đều đã ở mực nước chết, chỉ huy động phát điện được vài giờ trong một ngày để phủ đỉnh, dẫn tới tình trạng vừa bị mất sản lượng vừa bị mất công suất.
Hiện tại công suất khả dụng của hệ thống ở mức tương đối thấp so với công suất lắp đặt: hơn 11.000/15.600 MW trong khi nhu cầu cực đại có lúc đã vượt quá con số 13.500 MW. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống, EVN đã buộc phải chỉ đạo việc sa thải phụ tải đột xuất vào giờ cao điểm, thực hiện cắt điện luân phiên trong thời gian vừa qua.
Tuy là những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhưng với tư cách là đơn vị có nhiệm vụ cung cấp điện năng cho đất nước, EVN xin nhận trách nhiệm này, cáo lỗi trước tất cả các khách hàng sử dụng điện. Đồng thời chúng tôi cũng khẳng định sẽ làm hết khả năng có thể để sớm khắc phục tình trạng thiếu điện gay gắt như hiện tại.
Không “thiếu điện gay gắt” có nghĩa là việc thiếu điện sẽ vẫn tiếp diễn?
Theo nhận định thì tình hình chỉ có thể cải thiện sớm nhất là vào cuối tháng 7, khoảng ngày 25 - 30 hoặc đầu tháng 8 tới, khi một số nguồn điện gặp sự cố được sửa chữa xong (trước mắt là nhiệt điện Phú Mỹ 2 - 2 trong 3 - 5 ngày tới) và những nguồn điện mới đưa vào vận hành dần nâng được công suất. Việc thiếu điện lúc đó chỉ có thể xảy ra vào thời gian cao điểm, từ 9h - 11h hàng ngày chứ không còn gay gắt như hiện nay, đồng thời chất lượng điện áp cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Về lâu dài, bên cạnh việc đề nghị Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương đôn đốc các chủ đầu tư các dự án điện BOT, IPP như nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch... đưa vào vận hành đúng tiến độ đã đăng ký; EVN cũng đã chỉ đạo các nhà máy điện thành viên bố trí lại lịch sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy, đẩy nhanh thời gian sửa chữa và bảo dưỡng từ 10 - 15 ngày bằng việc chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, thiết bị và nhân lực để làm việc 3 ca liên tục, thậm chí là thuê chuyên gia nước ngoài giỏi sang tham gia sửa chữa, bảo dưỡng cho kịp yêu cầu.
Trong bối cảnh như vậy, EVN có những biện pháp nào để giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất, thưa ông?
Từ đầu năm đến nay, mặc dù luôn phải đối phó với tình trạng mất cân đối về cung - cầu điện năng, nhưng EVN đã tìm nhiều biện pháp, trong đó có việc mua ngoài với giá cao một lượng điện năng lớn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải tối đa có thể được, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Trong 6 tháng cuối năm, với nhận định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng phương châm này sẽ sẽ tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất ở mức có thể và điều kiện kỹ thuật cho phép, EVN sẽ tăng cường phương thức phân phối điện phù hợp, cố gắng bảo đảm công bằng và hợp lý giữa các hộ sử dụng điện, không để xảy ra tình trạng tụt điện áp dẫn tới rã lưới. Việc tiết giảm điện khi thiếu điện sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch để giúp các khách hàng chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo tình hình dự báo về công suất khả dụng của hệ thống, EVN sẽ thông báo đến các Công ty Điện lực trước 10 ngày để các Công ty tùy theo công suất được phân bổ để điều tiết đối với từng khu vực, có kế hoạch cắt điện cụ thể và thông báo trước với khách hàng về địa điểm cũng như thời gian.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate