November 02, 2013 | 18:39 GMT+7

Điều chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia là "quyết định dũng cảm"

Anh Minh

Chính sách vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có thay đổi quan trọng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.<br>
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.<br>
Đăng đàn tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh rằng việc cắt giảm đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia là một điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực đầu tư công.

Bộ trưởng Vinh cho hay sau khi Chính phủ có Chỉ thị 1792 về tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì việc trình các chính sách mới của Chính phủ để điều chỉnh một cách rất căn bản chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng lồng ghép, thu gọn lại cho hiệu quả, chủ động hơn là "một bước đột phá rất quan trọng tiếp theo chương trình chấn chỉnh lại ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ".

"Điều chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia là một bước tiến, rất nhiều tỉnh nói với tôi đây là một bước rất dũng cảm", ông Vinh nói.

Bộ trưởng thừa nhận, vẫn có nhiều chương trình mục tiêu là không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đặt ra do nhiều nguyên nhân trong đó có nguồn lực không đáp ứng được và bố trí phân tán, dàn trải. Do vậy, đề xuất của Chính phủ cho giai đoạn trước mắt 2014 - 2015 đã bàn rất kỹ và thấy rằng nếu cắt ngay 16 chương trình đầu tư thì không được vì đây là nghị quyết của Quốc hội đã phân bổ cho cả 5 năm.

Tuy nhiên, trước mắt giữ nguyên 16 chương trình này, các chương trình rà soát lại cắt giảm các chương trình thành phần và những thu hẹp các mục tiêu cho thích hợp, tương thích với nguồn lực và thực tiễn.

Cụ thể, trong năm 2014 - 2015, sẽ giảm tổng mức bố trí vừa là do chúng ta không có đáp ứng được nguồn lực để đảm bảo hiệu quả hơn; không cho khởi công các dự án mới mà chỉ tập trung chủ yếu vào bố trí hoàn thành các dự án cũ. Sau năm 2015, sẽ thảo luận, tính toán cho giai đoạn 5 năm tiếp theo là 2016 - 2020 theo hướng sẽ lồng ghép lại tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia vào 2 chương trình chính là chương trình phát triển nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững.

"Đây là hai chương trình có tính chất xã hội rất quan trọng và nếu nghiên cứu kỹ thì 14 chương trình kia có lồng vào trong này thì cũng cơ bản đúng, đều nằm trong 19 tiêu chí của nông thôn mới và đây là cơ hội chúng ta lồng ghép được", ông Vinh nói.

Về trái phiếu Chính phủ, ông Vinh cho hay các đại biểu cơ bản đồng tình với đề xuất phát hành 170 nghìn tỷ của Chính phủ trình, tuy nhiên các đại biểu băn khoăn là phải có địa chỉ cụ thể cho việc sử dụng trái phiếu.

"Tôi thấy đó là một đòi hỏi rất chính đáng, chính tôi cũng đề xuất nên minh bạch toàn bộ những vấn đề này trước Quốc hội mà được Quốc hội thông qua là yên tâm nhất là tốt nhất. Chúng ta không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích là sử dụng một đồng vốn này tốt nhất đồng tiền của nhân dân", Bộ trưởng nói.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng đã "điểm danh" các dự án sẽ được ưu tiên đầu tư bằng nguồn trái phiếu, bao gồm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 và luồng tàu sông Hậu.

Ông cũng cho hay theo danh mục dự án mà Quốc hội đã phê duyệt vào năm 2011 cho những dự án được bố trí trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012- 2015, trước đây là trên 1.400 dự án nay đã hoàn thành và thanh toán thì còn khoảng hơn 800 dự án.

"Chúng tôi có tên từng dự án một và hiện nay chúng tôi đang cùng các địa phương, bộ, ngành rà soát chốt lại cuối cùng tổng mức đầu tư còn thiếu. Hiện nay chúng tôi đang trình nguyên tắc, Chính phủ đã thông qua nguyên tắc bố trí cho cái này", ông Vinh nói.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đang chuẩn bị họp vào tuần tới để thông qua nguyên tắc bố trí vốn cho những công trình dở dang này và sẽ có 66.000 tỷ đồng được bố trí cho hơn 800 dự án dở dang nói trên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate