November 08, 2021 | 13:43 GMT+7

Điều chỉnh linh hoạt nhà máy thủy điện Hòa Bình để cấp nước cho vụ Đông Xuân

Huyền Vy -

Nhà máy thủy điện Hòa Bình có thể ngừng vận hành phát điện trong các chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau), ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết và vận hành linh hoạt với lưu lượng xả trung bình ngày trong khoảng từ 450-600 m3/s đối với tháng 11/2021; 500-700 m3/s đối với tháng 12/2021 và tháng 1/2022...

Vận hành linh hoạt thủy điện Hòa Bình để cấp nước cho hạ du.
Vận hành linh hoạt thủy điện Hòa Bình để cấp nước cho hạ du.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 6646/BTNMT-TNN gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà về việc điều chỉnh chế độ vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình từ nay đến đầu năm 2022.

Trước hiện trạng nguồn nước các hồ chứa trên lưu vực sông Đà đang thiếu hụt và diễn biến phức tạp của khí tượng, thủy văn như hiện nay, để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đặc biệt là cấp nước an toàn cho thủ đô Hà Nội và bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian còn lại của mùa cạn (khoảng 8 tháng), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc xem xét điều chỉnh chế độ vận hành của hồ Hòa Bình để dự trữ nước phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân và các tháng còn lại của mùa cạn là cần thiết. 

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất, điều chỉnh chế độ vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình từ nay đến đầu năm 2022. 

Trước mắt, từ nay đến trước ngày bắt đầu đợt lấy nước đầu tiên (phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ), hàng ngày, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước, nhà máy thủy điện Hòa Bình có thể ngừng vận hành phát điện trong các chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau), ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết và vận hành linh hoạt với lưu lượng xả trung bình ngày trong khoảng từ 450-600 m3/s đối với tháng 11/2021; 500-700 m3/s đối với tháng 12/2021 và tháng 1/2022 (trừ các ngày xả nước gia tăng).

Trong quá trình vận hành, đề nghị EVN chỉ đạo các chủ hồ chứa, theo dõi chặt chẽ diễn biễn nguồn nước và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du để điều chỉnh chế độ vận hành các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Thác Bà và Tuyên Quang cho phù hợp, giảm thiểu tối đa tác động đến các địa phương và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian nêu trên.

Trường hợp có mưa, lũ mà nguồn nước hồ Hòa Bình, các hồ chứa trên lưu vực có thể bảo đảm cấp nước cho hạ du theo yêu cầu thì phải vận hành hồ Hòa Bình theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa.

Sau khi kết thúc các đợt lấy nước gia tăng, căn cứ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, nhu cầu sử dụng nước hạ du, nếu mực nước các hồ chứa thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Phụ lục III của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được phê duyệt tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019, trường hợp cần thiết, đề nghị EVN xây dựng, đề xuất phương án điều chỉnh chế độ vận hành các hồ chứa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, vận hành hồ Hòa Bình, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước của hồ Hòa Bình, chủ động lấy đủ lượng nước từ sông Đà để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu tại Văn bản số 6135/BTNMT-TNN ngày 08/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate