Hôm nay không có gì quá bất ngờ ngay cả diễn biến tỷ giá. Áp lực tỷ giá đã phản ánh suốt trong tuần giao dịch vừa qua khi Vn-Index giằng co cả tuần do đó, thanh khoản thấp có vẻ mới thực sự là nguyên nhân của cú sụp đổ 60 điểm VN-Index.
Tâm lý thị trường yếu, tiền không chịu vào dẫn đến chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ cũng kéo theo áp lực tan giã ở nhóm cầm cổ phiếu. Chỉ số rơi một mạch về vùng 1.216 điểm tương ứng giảm 4,7%. Cả ba sàn gần 900 cổ phiếu chìm trong biển lửa, trong đó trên HoSE có 111 cổ phiếu kịch sản, trên HNX 31 cổ phiếu kịch sàn.
Thanh khoản ba sàn lại sát về mốc hơn 38.000 tỷ đồng do lực bán ồ ạt từ đầu đến cuối phiên. Giá trị vốn hóa HoSE bốc hơi 244.000 tỷ đồng xấp xỉ 10 tỷ USD), xuống còn 4,95 triệu tỷ đồng.
Nhận định về cú sụp đổ bất ngờ của VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh có hai vấn đề chính.
Thứ nhất, có thông tin xấu tác động vào thị trường. Tuy nhiên, phần lớn chủ yếu đầu tháng 4 dòng tiền và thanh khoản sụt giản, 5 phiên gần đây mất hút thanh khoản nếu so với mặt bằng từ đầu năm đến giờ. Lực cầu khá là yếu, điều này thể hiện xấu rõ với thị trường
Thứ hai, thị trường giảm như giọt nước tràn ly. Áp lực tỷ giá vẫn còn đó, các thị trường lớn như Mỹ đã giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến giờ trong khi đó, chứng khoán Việt Nam vẫn còn giảm ít, cầm cự khá tốt cho đến hôm nay. "Những dấu hiệu lo ngại về thị trường trong tháng 4 cũng đã được nhắc đến từ trước, tâm lý cả thị trường ai cũng phòng thủ do đó chỉ cần một đợt giảm tương ứng cũng kích hoạt đà bán tháo trên diện rộng", ông Minh nói.
Đối với động thái bán ròng của khối ngoại, theo ông Minh, hiện có hai phe: Thứ nhất là nhóm nhà đầu nước ngoài bán do áp lực tỷ giá cao và động thái bán ròng của họ sẽ còn kéo dài đến tháng 5-6; nhóm thứ hai như Fubon ETF khi thị trường giảm mạnh có khi lại vào ròng. Nhóm trading hàng ngày có thể mua ròng lại, còn đa phần khối ngoại tổng thể chung vẫn còn sợ tỷ giá nên họ sẽ bán. Tuy nhiên, tính chung lượng bán ròng sẽ thu hẹp lại hoặc bán ròng nhỏ đi.
Về kịch bản cho thị trường sau phiên giao dịch hôm nay, chuyên gia của Yuanta vẫn giữ nguyên quan điểm khả năng cao trong trường hợp xấu nhất VN-Index có thể về 1.200 - 1.210 điểm nhưng rất khó để giảm về 1.100 điểm.
"Tiền bên ngoài thị trường rất nhiều, không có cơ hội đầu tư vì vàng tăng cao nên chỉ còn mỗi kênh cổ phiếu. Do đó, những phiên giảm mạnh dòng tiền sẽ sớm giải ngân trở lại. Đoạn này không nên sợ mà nên bắt đầu tham lam một chút, vùng 1.210 có thể cân nhắc giải ngân".
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank phân tích: Thị trường giảm gần 60 điểm có đến 90% nguyên nhân đến từ thế giới, căng thẳng địa chính trị; bên cạnh đó là việc Fed trì hoãn hạ lãi suất và dự báo thời gian hạ lãi suất ngày càng kéo dài. Nếu như năm ngoái thị trường dự báo Fed hạ lãi suất vào tháng 3, sau đó là tháng 6, giờ lùi sang tháng 9 và thậm chí xuất hiện dự báo Fed không hạ lãi suất trong khi các Ngân hàng Trung ương khác như Thụy Sỹ đã hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng dự kiến hạ lãi suất vào tháng 6 tới đây.
Đồng đô la tăng mạnh cũng gây áp lực lên thị trường vì hiện nay thanh toán quốc tế hơn 90% sử dụng đồng đô la Mỹ, 50% lượng dự trữ ngoại hối là USD.
Trong khi đó, Fed hạ lãi suất nhưng chưa chắc đồng đô la Mỹ đã hạ nhiệt vì điều đó còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Trường hợp Fed hạ lãi suất vào tháng 6 thì chưa chắc đồng đô la đã giảm thậm chí còn tăng. Ví dụ, Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm nhiều hơn 0,5 điểm phần trăm thì đồng đô la vẫn tăng giá. Trong khi xác suất các ngân hàng trung ương châu Âu hạ lãi suất cao hơn Fed. Lạm phát tăng, kinh tế Mỹ mạnh thì Fed càng trì hoãn, do đó đồng đô la vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Những thông tin về địa chính trị, lạm phát, đô la mỹ tăng tác động mạnh nhất lên thị trường chứng khoán. Chứng khoán Việt Nam rớt 60 điểm nhưng tính tỷ lệ phần trăm thì vẫn "nhẹ nhàng" hơn so với các thị trường khác rơi hơn 10%.
"Thông thường những thông tin về địa chính trị mang tính chất trung hạn, một phiên giảm điểm chưa phản ánh hết, do đó, cần phải nhìn nhận diễn biến tương lai như thế nào? Căng thẳng địa chính trị có giảm không, Fed có nới lỏng không... Phải theo dõi sát các diễn biến đó.
Xu hướng hiện nay của thị trường là dao động quanh biên độ 1.200-1.300 điểm. Mức 1.300 theo phân tích kỹ thuật là vùng kháng cự mạnh, và tạm thời thị trường trong ngắn hạn, trung hạn biến động trong 1.200-1.300. Vùng hiện tại 1.216 điểm là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường. Do đó, trong lúc này nhà đầu tư tranh thủ cơ cấu danh mục, nắm tiền mặt nhiều hơn, hạn chế sử dụng đòn bẩy", ông Khánh nhấn mạnh.