February 26, 2024 | 13:52 GMT+7

Điều gì đã khiến cổ phiếu tôm cá "nhảy" kịch trần ngay đầu tuần?

Thu Minh -

Động thái tăng mạnh của nhóm thuỷ sản diễn ra trong bối cảnh một số doanh nghiệp đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh tích cực ngay tháng đầu năm 2024. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau phiên bán tháo giảm hơn 15 điểm vào cuối tuần trước, VN-Index nỗ lực hồi phục lấy lại hơn 3 điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Trong đó, nhóm cổ phiếu thuỷ sản nổi lên trở thành tâm điểm của thị trường khi hàng loạt cổ phiếu bật tăng hết biên độ như VHC, ANV, ASM, hàng loạt cổ phiếu khác cũng tăng rất khá. 

Động thái tăng mạnh của nhóm thuỷ sản diễn ra trong bối cảnh một số doanh nghiệp đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh tích cực ngay tháng đầu năm 2024. 

Theo đó, với VHC, báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1/2024 ghi nhận 921 tỷ đồng doanh thu, đánh dấu mốc doanh thu cao nhất trong vòng 8 tháng.

Về cơ cấu ngành hàng, trừ sản phẩm giá trị gia tăng (đạt 8 tỷ đồng, giảm 36%), phần lớn nguồn thu từ các sản phẩm chính đều tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng chủ lực cá tra đạt 448 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ sản phẩm phụ đạt 175 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Tương tự, sản phẩm C&G (Collagen và Gelatin) đem về 74 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. Sản phẩm từ gạo (16 tỷ đồng), bánh phồng (40 tỷ đồng) và sản phẩm khác (160 tỷ đồng) cũng lần lượt tăng 149%, 78% và 142%.

Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng dương trong tháng 1. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 185 tỷ đồng, tăng 59%; thị trường Trung Quốc cũng tăng ấn tượng 259%, lên 117 tỷ đồng. Còn thị trường châu Âu ghi nhận 154 tỷ đồng ở tháng đầu năm, tăng 33%.

Tại thị trường nội địa (Việt Nam), Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 325 tỷ đồng, tăng 137%.

Cổ phiếu thủy sản bật tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. 
Cổ phiếu thủy sản bật tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. 

Trong báo cáo cập nhật triển vọng nhóm thủy sản mới đây, SSI Research kỳ vọng tốc độ phục hồi chậm trong năm 2024, chủ yếu là vào nửa cuối năm 2024, do xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm từ năm 2023

Đối với ngành cá tra, nhìn lại chu kỳ trước, giá bán trung bình phải mất từ 1,5-2 năm để chạm đáy và mất khoảng 4 năm để đi hết chu kỳ. Do đó, kỳ vọng giá bán trung bình của cá tra có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024 (hai năm từ đỉnh xuống đáy). SSI kỳ vọng sản lượng xuất sang Châu Âu và Trung Quốc sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm sản lượng xuất sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu từ Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024 (mùa cao điểm). Trong tháng 12/2023, giá bán trung bình sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 2,5 USD/kg (giảm 16% so với cùng kỳ) và 2,1 USD/kg (giảm 8%), tiếp tục xu hướng giảm kể từ tháng 8/2022.

Đối với ngành tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và kỳ vọng giá trị xuất khẩu theo tháng sẽ tăng với tốc độ chậm.

Lưu ý rằng trong số các nước xuất khẩu tôm hàng đầu, Việt Nam đứng thứ 4 tại thị trường Mỹ (sau Ấn Độ, Indonesia, Ecuador) và đứng số 1 tại Nhật Bản, do Việt Nam có lợi thế sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng với nguồn công nhân lành nghề sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến.

Ecuador/Ấn Độ/Indonesia chủ yếu xuất khẩu tôm chưa qua chế biến với giá bán thấp. Trong tháng 12/2023, giá xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt khoảng 6,8-7,6 USD/kg (giảm 13% svck), so với giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ ở mức 10,6 USD/kg (giảm 5% svck).

Giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với Ecuador/Ấn Độ/Indonesia (giá chiết khấu cao hơn).

Do sản lượng đơn đặt hàng phục hồi yếu, sẽ không thiếu nguồn cung tôm hay cá nguyên liệu và giá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình giảm so với cùng kỳ và mức giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.

Xét về định giá, mức định giá sẽ hướng về mức trên trong phạm vi P/E trung bình 10 năm trong khoảng 6x-11x, vì nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sẽ chạm đáy trong năm 2024, với mức tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2024 và tăng trưởng dương trong nửa cuối năm 2024. 

SSI kỳ vọng lợi nhuận của ngành thủy sản sẽ tăng khoảng 20%-30% so với cùng kỳ trong năm 2024 (chủ yếu là trong nửa cuối năm 2024), so với mức giảm lợi nhuận khoảng 50%-80% trong năm 2023. Cổ phiếu ngành thủy sản hiện giao dịch ở mức P/E 2024 trong khoảng 9x-31x, phản ánh mức lợi nhuận dự kiến phục hồi trong năm 2024.

Định giá cổ phiếu đang ở mức cao lịch sử, tuy nhiên chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy giá cá tra sẽ phục hồi. Với giả định rằng giá cá tra sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024, mức lợi nhuận năm 2024 có thể sẽ vẫn thấp hơn lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022. SSI lưu ý rằng bất kỳ dấu hiệu tích cực nào về sự phục hồi doanh thu tháng và giá bán trung bình đều có thể cải thiện tâm lý đối với cổ phiếu liên quan đến tôm/cá tra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate