Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng 1/2024 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chuẩn bị mặt bằng ươm và chăm sóc cây giống cho công tác trồng rừng và phong trào Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn. Khai thác thủy sản được đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
NỖ LỰC SẢN XUẤT NGAY TỪ THÁNG ĐẦU NĂM
Tính đến ngày 15/1/2024, cả nước gieo cấy được 1.821,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 63,4 nghìn ha, bằng 66,6% do lịch thời vụ năm 2024 muộn hơn so với năm 2023; các địa phương phía Nam đạt 1.757,9 nghìn ha, bằng 98,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.427,7 nghìn ha, bằng 99,5%.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích ngô, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân có xu hướng chuyển sang trồng khoai lang, đậu tương và rau các loại để phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
"Sản lượng thủy sản tháng 1/2024 ước đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 440,2 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 54,6 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 95,3 nghìn tấn, tăng 2,9%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 1/2024 ước đạt 7,8 nghìn ha, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 do thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng như: Nghệ An bằng 94,5% cùng kỳ năm trước, Quảng Ngãi bằng 96,7%, Yên Bái bằng 60%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 4 triệu cây, giảm 2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.030,5 nghìn m3, tăng 3,6%. Trong tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 31,5 ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành thủy sản đã nỗ lực sản xuất ngay từ tháng đầu năm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 313,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 228,6 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 44,6 nghìn tấn, tăng 3,7%. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 96,7 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu và giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng.
Sản lượng tôm nuôi trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết Nguyên đán cũng như chế biến phục vụ xuất khẩu tăng nên giá tôm cũng tăng theo. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 24,9 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 14,9 nghìn tấn, tăng 1,4%.
Đối với đánh bắt hải sản, trong tháng đầu năm, thời gian bám biển của ngư dân dài hơn so nhằm tranh thủ đánh bắt trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản khai thác đạt 276,8 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác biển ước đạt 258 nghìn tấn, tăng 4,5% so với tháng 1/2023.
XUẤT KHẨU CÁC NHÓM HÀNG ĐỀU TĂNG TRƯỞNG CAO
Về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024 kim ngạch đạt 5,14 tỷ USD, tăng tới 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng. Cụ thể, lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
"Trong tháng 1/2023, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,18 tỷ USD, tăng 93,6%; châu Phi đạt 104 triệu USD, tăng 185,4%; châu Á đạt 2,52 tỷ USD, tăng 86,3%; châu Âu đạt 532 triệu USD, tăng 38,2% và châu Đại Dương đạt 78 triệu USD, tăng 100,9%".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường đều tăng. Phân tích thị trường theo quốc gia đơn lẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9% so với tháng 1/2023; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt 3,72 tỷ USD, tăng 45,1% do các nhóm hàng nhập khẩu đều tăng: nông sản 2,2 tỷ USD, tăng 41,1%; sản phẩm chăn nuôi: 300 triệu USD, tăng 46,8%; thủy sản: 250 triệu USD, tăng 33,9%; lâm sản: 253 triệu USD, tăng 100,7%; đầu vào sản xuất: 701 triệu USD, tăng 47,3%; muối: 4,3 triệu USD, tăng 39,8%.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 12/2023 do nhu cầu cao dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng tương đối ổn định và tăng giảm đan xen. Hai mặt hàng tiếp tục tăng cao là: chè búp, chè móc câu tăng 19 - 30%; ớt chuông tăng 33%; một số mặt hàng tăng nhẹ như hạt tiêu đen tăng 5%; cà phê tăng 4 - 9%; gạo tẻ thường tăng trên 6%; xoài cát chu tăng 8%; thanh long ruột đỏ tăng 3,4%; thanh long ruột trắng tăng 4,5%; tôm nguyên liệu tăng 4%; cá nguyên liệu tăng 5-6,7%.
Trong khi đó, nhóm các mặt hàng chăn nuôi có xu hướng giảm giá từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay. Cụ thể, giá lợn hơi giảm 10,5%; giá bò hơi giảm 2,5%; giá gà lông màu giảm 2,3%; giá gà công nghiệp giảm 6,8%. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung hàng nông sản dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 06-2024 phát hành ngày 05-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam