Căng thẳng leo thang giữa Nga với Ukraine và phương Tây đang đặt ra mối lo ngày càng lớn về tương lai của dòng chảy khí đốt từ Nga tới Liên minh châu Âu (EU), khiến giới chức và các nhà cung cấp năng lượng trong khu vực này phải vạch ra các kế hoạch cho trường hợp khẩn cấp.
Tình thế trở nên cấp bách sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về “khả năng rõ rệt” Nga có thể mở một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine ngay trong tháng 2, và điện Kremlin nói “gần như không có cơ sở để lạc quan” vì Washington đã từ chối những yêu cầu mà Moscow đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ước tính, Nga đã tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới giữa nước này với Ukraine, nhưng vẫn bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga đang có kế hoạch tấn công quốc gia láng giềng.
CẮT CUNG CẤP KHÍ ĐỐT: CẢ NGA VÀ CHÂU ÂU ĐỀU THIỆT HẠI
“Nguồn cung khí đốt của châu Âu đang thấp hơn bình thường và cả lượng khí đốt tồn kho của khu vực cũng vậy. Bởi thế, có một câu hỏi then chốt là liệu châu Âu có đủ khí đốt để vượt qua cuộc khủng hoảng này hay không”, nhà quản lý danh mục cấp cao Rob Thummel của công ty đầu tư năng lượng TortoiseEcofin nhận định.
“Xét tới việc mùa đông còn dài, tôi cho rằng có một số kịch bản mà tình hình trở nên thực sự khó khăn, và lượng khí đốt tồn kho có thể giảm xuống mức rất thấp. Từ góc độ năng lượng, châu Âu cần Nga, nhưng năng lượng có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên, đến nỗi sẽ rất khó để Nga cắt phăng nguồn cung”, ông Thummel nói thêm.
Trong mấy tháng qua, Nga đã bị cáo buộc cố tình giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, sử dụng vị thế nhà cung cấp khí đốt chính của khu vực này làm đòn bẩy trong cuộc đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã thấp hơn bình thường trong một thời gian dài, và các nhà phân tích chính trị cũng cho rằng Moscow cố tình ghìm nguồn cung khí đốt như một “lá bài” để buộc châu Âu phải đẩy nhanh quy trình phê chuẩn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) – một dự án gây tranh cãi vì bị cho là sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga.
Thậm chí, vai trò được cho là của Nga trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã vấp phải sự chỉ trích công khai hiếm hoi từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp đã kêu gọi Nga tăng cung cấp khí đốt và đảm bảo lượng khí đốt dự trữ của châu Âu trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm của mùa đông.
Về phần mình, Nga vẫn một mực phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này sử dụng khí đốt như một “vũ khí” địa chính trị. Công ty khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố vẫn thực thi đầy đủ các nghĩa vụ trên hợp đồng với khách hàng.
Giờ đây, khi căng thẳng Nga-Ukraine đã gần ngưỡng bùng nổ, giới phân tích đặc biệt lo về nguy cơ gián đoạn hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu – khu vực với gần 40% nhu cầu khí đốt được đáp ứng thông qua các đường ống từ Nga, và nhiều đường ống trong số đó chạy qua Ukraine.
Trong trường hợp Nga cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu, khu vực này có thể hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng về y tế và kinh tế, nhất là khi kịch bản đó xảy ra vào đúng giữa mùa đông và trong đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group tin rằng kịch bản xấu nhất mà ở đó Nga đột ngột cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng là khả năng khó xảy ra nhất. Đó một phần là do một động thái như vậy sẽ dẫn tới tổn thất tài chính lớn cho Moscow, đồng thời sẽ dẫn tới nỗ lực phối hợp giữa các nước thành viên EU để vĩnh viễn cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.
“Nhưng cho dù khó có khả năng gián đoạn hoàn toàn xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu, giới chức và các nhà cung cấp năng lượng ở châu Âu vẫn phải lên kế hoạch cho trường hợp như vậy”, Eurasia cho hay.
SỰ CHUẨN BỊ CỦA CHÂU ÂU CHO KỊCH BẢN XẤU NHẤT
Chẳng hạn, trong dịp Giáng sinh và đón năm mới 2021, các công ty cung cấp khí đốt ở châu Âu đã tăng đặt hàng khí hoá lỏng (LNG) vận tải bằng đường biển từ Mỹ và Qatar. Theo đó, riêng trong tháng 1 này sẽ có tổng cộng khoảng 100 chuyến LNG cập cảng châu Âu. Theo dữ liệu theo dõi tàu biển, lượng khí đốt như vậy tăng khoảng 40% so với kỷ lục cũ thiết lập vào tháng 3/2021.
“Gazprom đã cung cấp khí đốt cho EU bằng các hợp đồng dài hạn trong suốt nhiều thập kỷ qua, bất chấp tình trạng mối quan hệ giữa phương Tây với Nga/Liên Xô có như thế nào đi chăng nữa”.
Nhà phân tích Tom Marzec-Manser, công ty tư vấn năng lượng ICIS
Nguồn cung khí đốt này, dù đắt đỏ, nhưng được cho là sẽ giúp ích nhiều cho các nước ở Tây Âu và vùng Địa Trung Hải. Tuy vậy, các nước thuộc khu vực Trung Âu và Đông Âu sẽ không hưởng lợi nhiều từ nguồn LNG nhập khẩu qua đường tàu biển.
Trong trưởng hợp Nga cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt cho EU, các nhà phân tích thuộc Eurasia Group cho rằng nguồn LNG nhập bổ sung sẽ không thể đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu và giá khí đốt ở khu vực này sẽ tăng vọt lên “mức cao chưa từng thấy”.
Ngoài việc đặt mua nhiều LNG nhất có thể, Eurasia cho rằng các lựa chọn khác của châu Âu nhằm giảm thiểu hệ quả của trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt bao gồm đề nghị các đường ống dẫn khí đốt khác như từ Algeria, Azerbaijan và Na Uy tăng tối đa áp suất; rút toàn bộ lượng khí đốt dự trữ trên toàn EU; kích hoạt bất kỳ nguồn cung năng lượng thay thế nào đang có; và nếu cần thiết, ban bố lệnh cắt giảm tiêu thụ năng lượng.
Như đã nói ở trên, việc Nga cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu là khó xảy ra. Khả năng cao hơn là nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, Nga cắt một phần lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine.
“Điều này sẽ dẫn tới tổn thất lớn về mặt kinh tế và có thể là tình trạng thiếu điện và năng lượng sưởi ấm tại một số khu vực, nhất là Đông Nam châu Âu. Khu vực này đã trải qua tình trạng như vậy khi Nga cắt một phần cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine hồi năm 2008/2009”, theo Eurasia Group.
“Nếu điều này xảy ra, Moscow sẽ cố gắng tìm cách để sao cho các khách hàng lớn nhất, gồm Đức và Italy, tránh được ảnh hưởng tồi tệ nhất”, Eurasia nói thêm, nhấn mạnh rằng lệnh trừng phạt của Mỹ hay châu Âu sẽ tránh nhằm vào xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, vì những biện pháp như vậy sẽ gây ra quá nhiều tổn thất.
“Kịch bản có khả năng cao nhất là dòng chảy khí đốt vẫn tiếp tục”, nhà phân tích Tom Marzec-Manser của công ty tư vấn năng lượng ICIS nói với CNBC.
“Gazprom đã cung cấp khí đốt cho EU bằng các hợp đồng dài hạn trong suốt nhiều thập kỷ qua, bất chấp tình trạng mối quan hệ giữa phương Tây với Nga/Liên Xô có như thế nào đi chăng nữa”, ông Marzec-Manser nói. “Việc tiếp tục cung cấp cho các khách hàng chủ chốt như Đức và Italy, hay những khách hàng ít chủ chốt hơn một chút như Pháp và Áo, sẽ là một việc cực kỳ quan trọng đối với Nga”.
Vị chuyên gia nói rằng trong một kịch bản mà Nga không thể dù vẫn muốn cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở châu Âu – do lệnh trừng phạt kinh tế hoặc việc cung cáp khí đốt qua đường ống đi qua Ukraine trở nên thiếu an toàn – thì việc nguồn cung đột ngột bị cắt đứt cũng khó xảy ra.
“Chắc chắn là dòng chảy khí đốt có thể được chuyển hướng để đi theo các tuyến đường khác tới châu Âu”, ông Marzec-Manser nói, nhấn mạnh rằng phần khí đốt hiện đi qua Ukraine có thể chuyển hướng để đi qua Ba Lan.
Giá khí đốt giao tháng kế tiếp tại trạm TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của giao dịch khí đốt ở châu Âu, hiện ở mức gần 93 Euro (hơn 103 USD)/megawatt giờ. Giá này đã giảm từ mức đỉnh 113 Euro/megawatt giờ thiết lập hồi tháng 12, nhưng vẫn đang ở mức cao do căng thẳng Nga-Ukraine.